LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN KỲ VỌNG GÓP PHẦN ĐỂ VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU HÌNH THÀNH NỀN CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG TIÊN TIẾN

14/06/2024 18:04

Chiều 14/6, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đây là dự thảo Luật được kỳ vọng góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu đến năm 2045 hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...

XEM XÉT KỸ LƯỠNG VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

BẢO ĐẢM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ KHOÁNG SẢN VÀ HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh và một số thành viên; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia về địa chất và khoáng sản.

Toàn cảnh Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Sau hơn 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản năm 2010 đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất… Mặt khác, hiện một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Việc xây dựng, ban hành Luật phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.

3 vấn đề lớn tác động đến doanh nghiệp cần được lưu ý khi sửa Luật

Đại diện cho khối doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn VCCI nhấn mạnh: Luật Khoáng sản đã được Quốc hội ban hành lần đầu vào năm 1996, khá sớm so với nhiều lĩnh vực pháp luật khác. Gần đây, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn bản quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế đối với công nghiệp khai khoáng.

Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu trong đó đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á. Để làm được điều này thì công tác xây dựng thể chế là đặc biệt quan trọng. 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo ông Phạm Tấn Công, Luật Khoáng sản 2010 đã trải qua hơn 13 năm thi hành, mang lại nhiều kết quả tích chực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung. Thứ nhất là vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010 và được kỳ vọng là sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai, số lượng mỏ khoáng sản được đấu giá rất thấp. Ở cấp trung ương chỉ có 10 mỏ được đấu giá trên tổng số 441 giấy phép được cấp. Ở địa phương có 827 trường hợp đấu giá trên hơn 3000 giấy phép. Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn từ 20 đến 40% giá khởi điểm, có trường hợp cao gấp 2-3 lần. Như vậy, sửa đổi Luật Khoáng sản lần này, vấn đề đấu giá mỏ cần hết sức được quan tâm.

Thứ hai, tài chính về khoáng sản cũng là nội dung cần được tháo gỡ. Vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu trước khi mỏ đi vào hoạt động, lại dựa trên số liệu ước đoán từ kết quả thăm dò, đang đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nghiệp, khiến các dự án khoáng sản đã nhiều rủi ro lại càng thêm rủi ro. Sự thiếu minh bạch và không ổn định của các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cũng làm các doanh nghiệp, ngân hàng do dự khi cân nhắc bỏ vốn vào các dự án khoáng sản quy mô lớn, hoặc các dự án đi kèm chế biến.

Thứ ba, các vấn đề bảo đảm quyền tài sản đối với khai thác khoáng sản cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Vấn đề này bao gồm nhiều nội dung như quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp xử lý vi phạm về công suất khai thác, sản lượng được phép khai thác, giám sát sản lượng để tránh thất thu thuế phí, chống nạn khai thác lậu… Đây là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Cần quy định rõ hơn về công suất, tiền cấp quyền, đấu giá quyền khai thác khoáng

Với những vấn đề, nội dung quan trọng tác động đến công tác thăm dò, khai thác địa chất và khoáng sản, một số doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra quan điểm, ý kiến đóng góp để có thể điều chỉnh những bất cập, vướng mắc hiện hành nhằm xây dựng dự án Luật Địa chất và khoáng sản hiệu quả hơn khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Đề cập về quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho biết, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 103 của Dự thảo Luật thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ: Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; Giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.

Theo ông Lê Ái Thụ, quy định không phù hợp với bản chất, đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ dẫn đến vừa tổn thất tài nguyên khoáng sản, vừa thất thu nguồn thu ngân sách. Đồng thời, quy định này sẽ tạo ra sự bất công rất lớn giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 Điều 4 của Dự thảo luật “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản”.

Quy định tại điểm b khoản 1 Điều 103: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ giá tính thuế tài nguyên khoáng sản. Theo ông Lê Ái Thụ, quy định này sẽ tạo ra tâm lý cho rằng nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới. Nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì chỉ định: Tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm.

Bà Đặng Thị Ngọc Thuỷ, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Đề cập về quản lý công suất, ranh giới khai thác khoáng sản (quy định tại khoản 26 Điều 3, khoản 2 Điều 59, khoản 3 Điều 64 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản), bà Đặng Thị Ngọc Thuỷ, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị tiếp cận hướng quản lý công suất theo quy luật của thị trường và ranh giới khai thác theo mục tiêu tận thu tối đa khoáng sản không tái tạo để điều tiết công suất khai thác của các dự án và ranh giới khai thác khoáng sản thay vì tiến hành xử lý vi phạm hành chính và hình sự hóa việc khai thác vượt công suất hoặc khai thác ngoài ranh giới (sát biên ranh giới cấp phép) như quy định hiện hành.

Ngoài ra, theo bà Đặng Thị Ngọc Thủy, cần cân nhắc cơ chế “Công suất khai thác linh hoạt” để phù hợp với việc tối ưu hóa kế hoạch sản xuất hàng năm của doanh nghiệp và chế độ báo cáo xin điều chỉnh ranh giới khai thác khi cần mở rộng để tận thu tối đa tài nguyên; Quản lý siết chặt bằng các chế tài xử phạt khi các số liệu không được báo cáo, đóng thuế phí đầy đủ và sản lượng khai thác hàng năm cộng lại vượt quá trữ lượng được cho phép huy động vào khai thác trong thời hạn cấp phép. Theo đó, doanh nghiệp được phép chủ động điều tiết và điều chỉnh công suất của các dự án khai thác khoáng sản dựa trên nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Vấn đề này giống mô hình điều tiết sản lượng khai thác dầu thô của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; quy hoạch khai thác, thăm dò khoáng sản; phân cấp cho cơ quan ở địa phương quản lý việc khai thác địa chất và khoáng sản…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, Bộ luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Thứ trưởng cũng phản hồi, làm rõ các ý kiến về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, công suất khai thác khoáng sản, đặc quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản khi thăm dò xong; phân công, phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản, quyền của doanh nghiệp về thế chấp khoáng sản hay không…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia về địa chất và khoáng sản. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào 5 nhóm chính sách, 16 vấn đề được đưa ra trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, những ý kiến đóng góp đều rất xác đáng, quan trọng để cơ quan soạn thảo dự án Luật, thẩm tra và những đơn vị hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện./.

Bích Lan

Other news