PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC NGUYỄN LÂM THÀNH TIẾP PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC

25/06/2024 11:35

Sáng 25/6, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành tiếp Đoàn cấp cao Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc do đồng chí Biên Ba Trát Xi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề dân tộc và tôn giáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc làm Trưởng đoàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ NHÂN ĐẠI TOÀN QUỐC TRUNG QUỐC PHÁT TRIỂN NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ, THỰC CHẤT

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành tiếp Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề dân tộc và tôn giáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc 

Vui mừng được tiếp đón Đoàn công tác do đồng chí Biên Ba Trát Xi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhà nước Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề dân tộc và tôn giáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, làm trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, cuộc làm việc nhằm trao đổi thông tin liên quan đến nhiệm vụ công tác dân tộc, chức năng hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam, đồng thời mong muốn hai bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của mỗi nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, Việt Nam luôn xác định Trung Quốc là quốc gia láng giềng hữu nghị, có quan hệ mật thiết lâu đời và gắn bó. Đặc biệt về quan hệ dân tộc, Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó nhiều dân tộc có mối quan hệ biên giới láng giềng tốt đẹp với các dân tộc của Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam luôn coi trọng chính sách dân tộc ở khu vực này, đặc biệt là với Trung Quốc. Biên giới Việt Nam - Trung Quốc đi qua 168 xã, phường, thị trấn thuộc 7 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Quang cảnh cuộc tiếp

Đánh giá cao sự hỗ trợ phát triển và giúp đỡ của Trung Quốc thời gian qua đã tác động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và biên giới của Việt Nam,  Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, Việt Nam có một số nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, một số nhóm có liên quan đến quan hệ xuyên biên giới (như Tày, Nùng, Thái, Lô Lô, Dao…) mà nước bạn cũng có. Với hơn 1.400 km đường biên giới, đây chính là khu vực có rất đông các đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam sinh sống.

Đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước, chính quyền địa phương hai bên và các cộng đồng dân tộc sinh sống ở hai vùng biên giới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, thời gian qua nhiều hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cụm cư dân biên giới hai bên đã được tổ chức thường xuyên (đặc biệt ở cấp thôn/bản), góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống. Thông qua hoạt động kết nghĩa, người dân trong các cụm cư dân biên giới hai bên đã cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế về biên giới, qua đó góp phần giữ gìn trật tự, an ninh và bảo vệ biên giới.

Giới thiệu và thông tin cơ bản về Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam, về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, từ Quốc hội khóa I năm 1946, Quốc hội Việt Nam đã có đại biểu Quốc hội là đại diện các dân tộc thiểu số và tỉ lệ tăng qua các năm và các nhiệm kỳ. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Việt Nam đã có 89 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,8%, đây là một tỉ lệ khá cao. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam được thành lập năm 1961. Hiến pháp đã quy định rất rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc. Giống như các Ủy ban khác của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc thực hiện 3 chức năng quan trọng của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành

Thứ nhất, về chức năng xây dựng pháp luật, Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra, cho ý kiến vào tất cả các dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ có nội dung liên quan đến các chính sách dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, đây là nhiệm vụ thường xuyên Hội đồng Dân tộc phải thực hiện.

Thứ hai, về chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật, trong một số nhiệm kỳ, Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc chủ trì chuyên đề giám sát quan trọng của Quốc hội cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có giám sát tối cao của Quốc hội về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia…). Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc cũng tổ chức giám sát các chuyên đề riêng theo kế hoạch về lĩnh vực dân tộc. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để đưa ra đánh giá, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

Thứ ba, về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì thẩm tra Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ trình, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đồng chí Biên Ba Trát Xi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề dân tộc và tôn giáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc

Cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề dân tộc và tôn giáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc cho biết, những chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam sẽ là những bài học kinh nghiệm có thể tham khảo, đồng thời có thể hiểu sâu sắc hơn về công tác dân tộc của Việt Nam. Đồng thời nêu rõ, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi tháng 12/2023, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước, Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc và Ủy ban Dân tộc của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Nhấn mạnh đây là thỏa thuận hợp tác rất quan trọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi nêu rõ, hai bên đã ký kết hơn 30 thỏa thuận hợp tác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi nhấn mạnh, mục tiêu chủ yếu chuyến thăm Việt Nam của Đoàn lần này là hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác mà Ủy ban Dân tộc hai nước đã ký kết, đặc biệt tăng cường hơn nữa sự giao lưu, hợp tác về công tác dân tộc của hai nước; đồng thời nêu rõ, Trung Quốc - Việt Nam là hai đất nước thống nhất đa dân tộc, do đó, công tác dân tộc có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Thông tin về một số nội dung cơ bản về công tác dân tộc của Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi cho biết, Trung Quốc có 56 dân tộc và 5 khu tự trị dân tộc, vì vậy Trung Quốc rất coi trọng công tác dân tộc. Nêu rõ thỏa thuận về công tác dân tộc có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của hai nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi hy vọng hai bên sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp từ các thỏa thuận hợp tác đã ký kết.

Cảm ơn những thông tin của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, đây là những chia sẻ, bài học kinh nghiệm quý báu để hai nước có thể thực hiện tốt công tác dân tộc. Đồng thời nêu rõ, nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong thực hiện công tác dân tộc của Việt Nam là bình đẳng, đoàn kết và xây dựng công đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất, tôn trọng các yếu tố đa dạng trong văn hóa và lịch sử, tôn trọng bình đẳng giữa các dân tộc… Đây là những điểm chung và cũng là yếu tố dẫn đến thành công trong công tác dân tộc của hai nước. Và trong mỗi giai đoạn phát triển, Việt Nam cũng có những điều chỉnh chính sách dân tộc để phù hợp với thực tiễn. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành hy vọng, sự phối hợp, trao đổi giữa hai cơ quan dân tộc của hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong công tác dân tộc của hai nước ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc tiếp:

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành tiếp Đoàn cấp cao Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc

Các đại biểu tham dự cuộc tiếp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, cuộc làm việc nhằm trao đổi thông tin liên quan đến nhiệm vụ công tác dân tộc, chức năng hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam, đồng thời mong muốn hai bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của mỗi nước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc Biên Ba Trát Xi nhấn mạnh, mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của Đoàn lần này là hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác mà Ủy ban Dân tộc hai nước đã ký kết, đặc biệt tăng cường hơn nữa sự giao lưu, hợp tác về công tác dân tộc của hai nước

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm./.

Bích Ngọc - Minh Thành