ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

18/07/2024 15:55

Sáng 18/7, tại Tp. Hà Giang, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang để khảo sát việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG KHẢO SÁT KẾT QUẢ TRIỂN KHAI VÀ THI HÀNH LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND TẠI THỊ XÃ AN NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có: Thường trực Ủy ban Pháp luật; Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Vịnh; đại diện các ban của HĐND tỉnh và thường trực HĐND các huyện; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, đã phân công Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Nhấn mạnh Hà Giang là địa phương đầu tiên Đoàn công tác đến khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên mong muốn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của tỉnh trong việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong thời gian vừa qua cũng như các ý kiến góp ý từ thực tiễn của các đối tượng liên quan về những giải pháp, kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan nêu rõ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đồng tình nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát để phù hợp với Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV... cũng như thực tiễn thi hành Luật hoạt động giám sát thời gian qua. 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan 

Cũng theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, một số quy định của Luật hiện không còn phù hợp với thực tiễn như: Thiếu các quy định của Luật về sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, giám sát chuyên đề, vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình tại kỳ họp, phiên họp, hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm và điều kiện thực hiện hoạt động giám sát của cá nhân ĐBQH.

Ngoài ra, cũng chưa quy định rõ về thời gian hoàn thành, trách nhiệm, hệ quả pháp lý nếu không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không đúng yêu cầu; một số quy định của pháp luật còn chưa cụ thể về quyền hạn, địa vị pháp lý của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, nhất là trong mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức, vị trí trong hệ thống chính trị ở địa phương...

Do vậy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thời gian qua, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh

Về phía HĐND tỉnh Hà Giang, báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh cho biết, qua hơn 8 năm thi hành luật, với sự nỗ lực và đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc giám sát được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương. Mặc dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định. Do vậy, HĐND tỉnh Hà Giang cơ bản nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh cũng cho biết, HĐND tỉnh Hà Giang đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi như: Bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND điều chỉnh chương trình giám sát, thay đổi Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, thành viên của đoàn giám sát của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất; Bổ sung quy định bổ sung HĐND có thẩm quyền xem xét báo cáo công tác nhiệm kỳ của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; Sửa đổi, bổ sung quy định trong mọi trường hợp khi tổ chức chất vấn, HĐND phải ban hành nghị quyết chất vấn thay cho quy định hiện hành là có thể ban hành hoặc không ban hành nghị quyết chất vấn;…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể: Đề nghị xem xét lại việc sửa đổi, bổ sung quy định thu hẹp các loại báo cáo mà các Ban của HĐND phải thẩm tra, đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành;  Xem xét quy định về hoạt động giám sát của HĐND tại khoản 4 Điều 57 là "Giám sát chuyên đề" hay "Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề" để đảm bảo tính thống nhất giữa thẩm quyền giám sát của Quốc hội và HĐND;…

Thành viên Đoàn công tác

Tại cuộc làm việc, các đại biểu thảo luận, góp ý nhiều nội dung trọng tâm của dự án luật đồng thời góp ý vào nhiều điều, khoản cụ thể như: quy định chung; nguyên tắc của hoạt động giám sát; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát; giám sát chuyên đề; đối tượng chất vấn; chuyển từ kiến nghị sau giám sát sang chất vấn; thực hiện điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan...

Qua trao đổi, một số ý kiến cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn hình thức, trách nhiệm chuyển tải nội dung trả lời chất vấn đối với các trường hợp bị chất vấn mà không trả lời trực tiếp tại kỳ họp để bảo đảm tất cả cử tri, Nhân dân đều nắm rõ, biết được nội dung trả lời chất vấn (trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước). Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định làm rõ về thẩm quyền quyết định thành lập đoàn giám sát và việc sử dụng con dấu của tổ đại biểu HĐND.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, tâm huyết, gắn với thực tiễn hoạt động của các vị đại biểu. Thông tin từ cuộc làm việc góp phần làm rõ, sáng tỏ nhiều nội dung, số liệu cần thiết phục vụ thiết thực việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các thông tin, dữ liệu do các cơ quan, đơn vị cung cấp, trao đổi trong buổi làm việc sẽ được Đoàn khảo sát ghi nhận, tổng hợp, nghiên cứu đầy đủ và xây dựng thành Báo cáo phục vụ quá trình thẩm tra dự án luật.

Lê Anh - Thùy Linh