ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

08/08/2024 11:07

Theo dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Góp ý hoàn thiện dự luật, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết bổ sung nội dung “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là nguyên tắc giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong tình tình mới.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT KHÓA XIII PHAN TRUNG LÝ: CẦN BÁM SÁT HƠN NỮA YÊU CẦU ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Qua 8 năm triển khai thi hành, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Do đó, dự án Luật đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (tháng 10/2024).

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật, dự thảo Luật bổ sung quy định “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là nguyên tắc hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (khoản 2a vào Điều 3). Tuy nhiên, về mức độ quy định nguyên tắc này trong dự thảo Luật, hiện nay vẫn còn có 02 loại ý kiến khác nhau. Do đó, Ban soạn thảo xây dựng 02 phương án:

Phương án 1: Cùng với việc bổ sung nguyên tắc mới về hoạt động giám sát tại Điều 3, dự thảo Luật bổ sung một số điều luật mới để luật hóa và hoàn thiện thêm các quy định của Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH15 và 594/NQ-UBTVQH về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể để thi hành nguyên tắc mới được bổ sung. Cùng với đó, để bảo đảm tính hợp lý về thang bậc giá trị pháp lý điều chỉnh các vấn đề về hoạt động giám sát, dự thảo Luật đồng thời bổ sung một số điều luật mới để hoàn thiện, luật hoá các quy định của Nghị quyết 334, Nghị quyết 594 về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, vấn đề giải trình của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.   

Phương án 2: Chỉ bổ sung nguyên tắc mới tại Điều 3 của Luật, không bổ sung các điều luật quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. (Các tiêu chí này được quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Huỳnh Thuý Vân

Bàn về vấn đề này, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định bày tỏ thống nhất với việc bổ sung khoản 2a vào Điều 3 của Luật Hoạt động giám của Quốc hội và HĐND với nội dung “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong tình tình mới.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Huỳnh Thuý Vân cho rằng, yêu cầu gắn hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND với công tác xây dựng pháp luật là một trong các tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát đang được quy định tại Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế tổ chức một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND.

Quy định này đã được áp dụng và phát huy giá trị tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND trong thời gian qua. Trên tinh thần phương châm tăng cường quy định cụ thể, trực tiếp trong luật, hạn chế việc phải ban hành văn bản dưới luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, là phù hợp thì cần luật hóa để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, nội dung về yêu cầu gắn hoạt động giám sát với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là một nội hàm của nguyên tắc hoạt động giám sát mới được bổ sung theo dự thảo Luật, hiện chưa được quy định là tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát trong văn bản nào. Vì vậy, cùng với việc bổ sung nguyên tắc trên tại Điều 3, cần thiết luật hóa, hoàn thiện các quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát trong một số điều khoản của dự thảo Luật để bảo đảm nguyên tắc mới được bổ sung được thi hành trên thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Cao Phúc

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Cao Phúc cũng nhận thấy, từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ để HĐND thực hiện hoạt động giám sát. Từ thực tiễn triển khai Luật tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước gắn kết với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, như qua giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh đã kiến nghị sửa đổi một số vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Đất đai 2013 hay yêu cầu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù của địa phương. Vì vậy, việc bổ sung nội dung “Bảo đảm cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” vào nguyên tắc giám sát là cần thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu rõ, các tiêu chí lựa chọn giám sát chuyên đề và chất vấn của HĐND các cấp quy định tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 có tính chất bắt buộc địa phương phải thực hiện. Vì vậy, cần bổ sung vào dự thảo Luật để luật hóa các quy định này, bảo đảm tính hợp lý về thang bậc giá trị pháp lý điều chỉnh các vấn đề về hoạt động giám sát của HĐND.

TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập

Cũng bàn về việc cung cấp thông tin, ở góc nhìn khác, chỉ ra rằng, dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát. Theo đó, các thông tin trong hoạt động tư pháp, thanh tra, kiểm toán, thuế, ngân hàng, khiếu nại, tố cáo, hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác của các cơ quan chức năng được sử dụng cho hoạt động giám sát của chủ thể giám sát. Mặc dù nội dung điều bổ sung này làm cho hoạt động giám sát có đường nét giống như hoạt động thanh tra, tố tụng… Nhưng việc tiếp cận với các thông tin này là hoàn toàn phù hợp đối với hoạt động giám sát Quốc hội và HĐND.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ về thẩm quyền và thủ tục để yêu cầu các bên liên quan cung cấp những thông tin đó mà mới chỉ quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hoạt động giám sát có trách nhiệm cung cấp, chia sẻ, trao đổi cho chủ thể giám sát để thực hiện hoạt động giám sát”. Vậy các cơ quan như tòa án, thanh tra, thuế, ngân hàng… có được coi là “cơ quan liên quan đến hoạt động giám sát hay không”? Nếu đoàn giám sát cần tiếp cận với những thông tin này thì ai là người cung cấp, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin như thế nào? TS.Phạm Thái Hưng nhấn mạnh, đây là những vấn đề cụ thể nhưng rất quan trọng để đảm bảo hiệu lực của quy định quan trọng mới được bổ sung này. Do đó, cần quy định rõ thẩm quyền và trình tự yêu cầu các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm toán, thuế, ngân hàng, và các bên liên quan khác cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát./.

Minh Thành