ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH ĐIỆN BIÊN

08/08/2024 17:52

Chiều 08/8, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2023.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TỈNH LAI CHÂU

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên.

Từ khi thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, đến hết năm 2023 tỉnh Điện Biên đã thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp với tổng diện tích 501.239,96ha. Riêng giai đoạn 2019-2023, tỉnh Điện Biên đã thực hiện với tổng diện tích 93.608,40ha. Để tổ chức sản xuất trên diện tích đất rừng được giao nhằm tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2019-2023, tỉnh thực hiện một số chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Tiểu dự án 1, dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững; hỗ trợ phát triển rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh...

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023 là 1.440 tỷ đồng. Kinh phí được bố trí chủ yếu thực hiện một số hoạt động lâm nghiệp như: Trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng không trồng bổ sung và thực hiện một số hoạt động đặc thù khác theo quy định.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, bên cạnh chính sách phù hợp, tích cực, góp phần tạo thu nhập ổn định; tạo động lực, thay đổi tư duy của người dân về quản lý, bảo vệ rừng thì vẫn còn một số quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương chưa phù hợp đối với điều kiện thực tế của tỉnh Điện Biên. Đó là: Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án mất nhiều thời gian dẫn đến chậm tiến độ thi công và giải ngân vốn được giao; chưa quy định cụ thể, rõ ràng chế tài xử lý đối với chủ rừng là cộng đồng dân cư để xảy ra phá rừng, cháy rừng nguy cơ mất rừng; mức hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng còn thấp nên chưa thực sự khuyến khích người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác một số quy định, cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ rừng.

Tỉnh Điện Biên kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét sửa đổi quy định về đối tượng được giao rừng phải cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng (quy định tại điểm c, điểm d, khoản 2, Điều 16 và điểm a, khoản 3, Điều 17 Luật Lâm nghiệp); sớm ban hành cơ chế, quy định triển khai về tín chỉ carbon rừng, bổ sung kinh phí để thực hiện; có hướng dẫn về thanh lý tài sản rừng theo luật quản lý tài sản công.

Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Điện Biên trong thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của tỉnh Điện Biên, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp để đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân; tạo được sinh kế bền vững để người dân gắn bó với rừng và bảo vệ rừng một cách bền vững.

 

(Theo Báo Điện Biên Phủ)