MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

13/08/2024 14:15

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 13/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Trước khi thảo luận về nội dung này, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp; đại diện Văn Phòng Trung ương Đảng và Ban Nội chính Trung ương…

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng Luật và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên (NCTN) là người chưa trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế. Đặc điểm này đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp NCTN thì 02 vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong Luật này. Đây là 02 trong số 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ phạm vi điều chỉnh như Điều 1 của dự thảo Luật.

Liên quan đến biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng (Điều 51), tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH); đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ (tại Điều 51).

Về các trường hợp không được áp dụng XLCH (Điều 38), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo Luật tách một số tội từ các tội phạm nêu trên để cho phép hoặc là áp dụng biện pháp XLCH giáo dục tại Trường giáo dưỡng hoặc là áp dụng hình phạt. Như vậy, quy định của dự thảo Luật tuy có sự thay đổi chính sách theo hướng nhân văn hơn với NCTN phạm tội, nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội như một số ý kiến băn khoăn vì những tội này không được phép áp dụng XLCH ngoài cộng đồng, chỉ có thể chấp hành tại Trường giáo dưỡng hoặc chấp hành hình phạt (giống như quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành).

Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, theo quy định của BLHS, NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia nên không đặt ra vấn đề XLCH. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về các tội không được áp dụng XLCH như dự thảo Luật.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (bên trái ảnh) và đại diện lãnh đạo các Bô, ngành dự Phiên họp

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH (Điều 52), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dự thảo Luật quy định cả 03 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLCH tại mỗi giai đoạn tố tụng nhằm giúp NCTN có đủ điều kiện luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp XLCH. Riêng đối với biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng cần tiếp tục giao duy nhất cho Tòa án quyết định vì đây là biện pháp nghiêm khắc nhất. Đồng thời thống nhất đề nghị cho giữ quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH như dự thảo Luật.

Liên quan đến các hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội (Điều 108), tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về 04 loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính hướng thiện trong xử lý NCTN.

Về mức phạt tù có thời hạn (Điều 112), dự thảo Luật giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn 09 năm, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi còn 15 năm nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự... đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội” và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đồng thời vẫn bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 114), tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như Điều 103 Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng. Thường trực Ủy ban Tư pháp và TANDTC thống nhất đề nghị UBTVQH cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt theo hướng: không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Liên quan đến sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 32 và Điều 143), để bảo đảm khi cần thiết vẫn có thể mời người làm công tác xã hội tham gia các hoạt động tố tụng, dự thảo Luật đề xuất chỉnh lý theo hướng người làm công tác xã hội tham gia khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Về tách vụ án có NCTN phạm tội (Điều 136), thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp thì có 02 loại ý kiến đối với vấn đề này:

- Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành quy định phải tách vụ án đối với NCTN để giải quyết riêng; đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án. Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo Luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với NCTN để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định.

Do còn ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 155), các cơ quan đều thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cả 02 mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức