ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC CHÍNH SÁCH MỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (SỬA ĐỔI)

14/08/2024 11:44

Sáng 14/8, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Các ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến đối tượng chịu thuế; thuế suất 0%; về chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%...

BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024

Trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), với 63 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 20 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường và 02 ý kiến tham gia bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu gợi ý nội dung thảo luận

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật đã tiếp thu phù hợp ý kiến ĐBQH, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận số 3571 ngày 3/5/2024 và thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật hay chưa?; Cho ý kiến về 6 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo; Cho ý kiến về dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật và các nội dung khác.

Đề nghị không quy định lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng trong luật

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tối đa ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7; đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định liên quan đến dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế; Về thuế suất 0%; quy định về chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%; về các trường hợp hoàn thuế…

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nếu dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện kinh tế đất nước tiếp tục phát triển. Nhấn mạnh đây là luật chuyên ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, chặt chẽ, thấu đáo các ý kiến ĐBQH.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương tiếp thu, giải trình để báo cáo tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH trước khi hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Về một số nhóm nội dung còn quan điểm khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đối với quy định các trường hợp không nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, cần đảm bảo nguyên tắc chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế giá trị gia tăng. Việc bổ sung quy định trường hợp hàng hóa chưa được người bán kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế, nhằm kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn.

Đối với quy định về mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành quy định ngưỡng doanh thu trong dự thảo luật và giao thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Đối với ngưỡng doanh thu cụ thể chịu thuế giá tăng, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, để lựa chọn phương án phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự

Về trường hợp chịu thuế suất 0%, 5%, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp tục cân nhắc thấu đáo, đánh giá tác động, phân tích ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, vừa đảm bảo lợi ích cho người sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đối với định hướng tăng thuế suất giá trị gia tăng lên 10%, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần bám sát định hướng tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030; Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030… để xác định lộ trình, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn khó khăn. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc không quy định lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng trong luật, mà giao Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định…

Cân nhắc thấu đáo nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất

Cho ý kiến về dịch vụ xuất khẩu tại Điều 9 dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và đặc biệt là chi phí về dòng tiền nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh cho các doanh nghiệp, nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng. Với thực tế chậm chễ trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng như hiện nay, việc sửa đổi Luật cần được cân nhắc thấu đáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Đại biểu cho rằng, nếu chưa lường hết các tác động của chính sách, dự thảo Luật nên giữ như quy định hiện hành, đồng thời, bổ sung nội dung quy định các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuát phải bảo đảm là các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng xuất khẩu và không bao gồm dịch vụ cho cá nhân hoặc không liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.

Có ý kiến đề nghị, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên quy định hiện hành đối với các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác, ngoại trừ một số nội dung sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ trong áp dụng Luật, bảo đảm đúng nguyên tắc và chuẩn mực của thuế giá trị gia tăng. Theo đó, các dịch vụ xuất khẩu phải bảo đảm là được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, bao gồm cả các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm (có nội dung số) cung cấp trên nền tảng số; văn bản dưới luật sẽ quy định chi tiết về việc xác định địa điểm tiêu dùng phù hợp với bản chất của các hoạt động, giao dịch cụ thể…

Đánh giá đầy đủ tác động đối với các chính sách mới trong dự thảo luật

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, thống nhất các nội dung trong dự thảo luật, đảm bảo ý kiến của ĐBQH, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp được tiếp tục tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục; rà soát để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật đảm bảo chất lượng dự án luật khi trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, đây là dự án luật hết sức quan trọng vì có tác động liên quan đến nguồn thu ổn định lâu dài của ngân sách nhà nước; đồng thời cũng tác động đến sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, liên quan đến người dân và doanh nghiệp, vì vậy, cần được nghiên cứu thấu đáo hơn nữa.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhưng không tạo ra khoảng trống pháp lý. Luật hoá tối đa các nội dung đã được thực tế kiểm nghiệm, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định. Trường hợp để đảm bảo tính khả thi, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, cần quy định nguyên tắc trong luật trước khi giao Chính phủ và các Bộ quy định chi tiết.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Tiếp tục rà soát các điều khoản thi hành, quy định chuyển tiếp để đảm bảo không bỏ sót, không gây vướng mắc khi luật có hiệu lực; các chính sách mới phát sinh phải đánh giá tác động đầy đủ theo quy định, đảm bảo hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra, nhưng được khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào; mức, ngưỡng doanh thu hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; các trường hợp áp dụng và không áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu; việc miễn thuế hay áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự thảo luật…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc rà soát, hoàn thiện luật phải đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp là các khoản thu ngân sách Nhà nước do luật định, phù hợp với chủ trương của Đảng và mục tiêu, quan điểm trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế trên năm 2030 và phải cơ bản tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã được tổng kết, đánh giá; đồng thời thực hiện đúng quan điểm đã xác định tại oàn văn Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới…

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Đại biểu tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm phát biểu

 Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phát biểu

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tiếp thu, giải trình

Lan Hương - Nghĩa Đức

 
  • Kỳ họp thứ 10
  • Kỳ họp thứ 9
  • Kỳ họp thứ 8
  • Kỳ họp thứ 7
  • Kỳ họp thứ 6
  • Kỳ họp thứ 5
  • Kỳ họp thứ 4
  • Kỳ họp thứ 3
  • Kỳ họp thứ 2
  • Kỳ họp thứ 1