DỰ THẢO LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (SỬA ĐỔI): CẦN THÁO GỠ BẤT CẬP VỀ QUY ĐỊNH THUẾ ĐỐI VỚI CHUỖI CUNG ỨNG SẢN PHẨM NÔNG LÂM THUỶ SẢN

15/08/2024 14:36

Tại kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến, PGS. TS Đặng Văn Thanh cho rằng, các chính sách thuế GTGT hiện hành đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường đang tồn tại nhiều bất cập và chưa được tháo gỡ. Điều này đặt ra vấn đề cần sửa đổi quy định liên quan đến nội dung này tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

ĐỀ NGHỊ NÂNG MỨC DOANH THU KHÔNG CHỊU THUẾ TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ TRỊ GIA TĂNG (SỬA ĐỔI)

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT&NS của Quốc hội khóa XI, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội

Phóng viên: Theo ông, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện nay áp dụng chính sách thuế GTGT đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ("SPNNSC") đang bộc lộ bất cập gì?

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT&NS của Quốc hội khóa XI, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội: Hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật số 106/2016/QH13 về đối tượng không chịu thuế: “Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác thì không phải tính, nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.” Khoản 2 Điều 8 Luật số 13/2008/QH12 quy định về thuế suất “Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây: Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này.”

Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế (SPNNSC) gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định này ở các khâu sản xuất, sơ chế và kinh doanh thương mại. Tôi xin đơn cử cụ thể, tại khâu sản xuất: Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi là đối tượng không chịu thuế nên thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ mà phải ghi nhận toàn bộ thuế GTGT đầu vào thành chi phí.

Còn tại khâu sơ chế thì tổ chức mua sản phẩm nông nghiệp để sơ chế và bán cho tổ chức khâu thương mại thì sản phẩm sơ chế thuộc đối tượng không phải tính, nộp thuế nên về nguyên tắc thì được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên quy định không cho hoàn thuế GTGT và cũng không cho ghi nhận vào chi phí nên toàn bộ thuế GTGT đầu vào liên tục tích lũy tăng thêm và không có phương án xử lý dẫn đến tồn đọng dòng tiền kéo dài, gia tăng chi phí sử dụng vốn.

Cuối cùng là khâu kinh doanh thương mại thì tổ chức kinh doanh thương mại chịu thuế GTGT 5% khi bán SPNNSC và cộng vào giá thành sản phẩm. Tổ chức kinh doanh thương mại không có thuế GTGT đầu vào do thuế GTGT đầu vào đã bị đọng tại khâu sản xuất và khâu sơ chế, chưa liên thông với khâu kinh doanh thương mại.

Phóng viên: Thưa ông, việc áp dụng chính sách thuế như vậy với sản phẩm nông nghiệp sơ chế như vậy có phù hợp với nguyên tắc chung về định hướng chính sách thuế GTGT hay chưa?

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT&NS của Quốc hội khóa XI, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội: Tôi thấy chính sách thuế hiện hành đối với chuỗi giá trị SPNNSC chưa phù hợp với nguyên tắc chung của thuế GTGT và định hướng chính sách. Hiện nay, trong chuỗi giá trị này SPNNSC đang áp dụng 3 loại thuế suất thuế GTGT khác nhau tại mỗi khâu, bao gồm loại không chịu thuế tại khâu sản xuất, loại không phải tính, nộp thuế tại khâu sơ chế và loại thuế suất 5% ở khâu thương mại bán ra. Theo nguyên tắc chung, quy định thuế GTGT sẽ xác định một loại thuế GTGT áp dụng cho SPNNSC và loại thuế GTGT này sẽ được áp dụng thống nhất ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

Có một vấn đề cần lưu ý nữa là, theo định hướng chính sách, do SPNNSC là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống để bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội nên cần được hỗ trợ và khuyến khích phát triển, do đó nên đề xuất được áp dụng thống nhất theo đối tượng không chịu thuế tại tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại; Thuế GTGT trong chuỗi giá trị SPNNSC chưa liên thông, thuế GTGT đầu vào đang tồn đọng tại các khâu sản xuất, sơ chế và không chuyển sang doanh nghiệp tại khâu thương mại, nhưng doanh nghiệp khâu thương mại lại phát sinh thêm 1 lần thuế GTGT đầu ra 5% dẫn đến 2 lần thuế GTGT trở thành chi phí, làm tăng giá thành của SPNNSC, dù đây là sản phẩm thiết yếu cần được ưu tiên để đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, chưa khuyến khích chuỗi giá trị SPNNSC phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong khi đó, các cá nhân hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp quy mô nhỏ với chức năng sản xuất, gia công đơn giản, sản phẩm giá trị gia tăng thấp, trực tiếp bán SPNNSC cho khách hàng sẽ không gặp các vấn đề bất cập tôi vừa nêu nên sẽ có giá thành sản phẩm cạnh tranh. Ví dụ như khi các hộ nông dân nhỏ lẻ nuôi heo, trực tiếp giết mổ và bán sản phẩm heo tại các chợ thì sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp chuyên môn hóa vào từng chức năng trong chuỗi giá trị để gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm thông qua đầu tư lớn vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô, hợp tác với đối tác nước ngoài để nhận chuyển giao công nghệ thì lại gặp các hạn chế, bất cập, như: Chưa phù hợp với nguyên tắc chung của thuế GTGT và định hướng chính sách; phát sinh thêm 1 lần thuế GTGT đầu ra 5% dẫn đến 2 lần thuế GTGT trở thành chi phí, làm tăng giá thành của SPNNSC nên phải ghi nhận thuế GTGT vào chi phí, tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Ví dụ như khi các doanh nghiệp tham gia vào từng khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm heo chất lượng cao theo quy mô lớn và công nghệ hiện đại như chăn nuôi heo sạch, giết mổ và sơ chế theo quy trình tiên tiến, bảo quản và phân phối tại các siêu thị theo tiêu chuẩn chất lượng cao... thì thuế GTGT đầu vào đọng tại khâu chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, trong khi khâu phân phối phát sinh thuế GTGT 5%. Như vậy, 2 lần thuế GTGT ghi nhận vào giá thành sản phẩm làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, giá bán sản phẩm heo chất lượng cao tăng làm giảm tính cạnh tranh và giảm cơ hội sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Về lâu dài, gia tăng chi phí dẫn đến giá thành sản phẩm cao sẽ giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa so với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ảnh hưởng xấu tới nguồn tài chính trong tương lai để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Vô hình chung, quy định về thuế GTGT trở thành rào cản để các doanh nghiệp có thể phát triển bài bản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phóng viên: Thưa ông, trong lần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, ông có kiến nghị cụ thể gì?

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT&NS của Quốc hội khóa XI, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội: Với phân tích tôi đã đề cập trên, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng: Liên hoàn thuế GTGT giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh, tránh tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng; khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí cho hoạt động sản xuất nông nghiệp do là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội; và định hướng đầu tư sản xuất theo đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, tài sản cố định, góp phần tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do SPNNSC là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào bảo đảm an sinh xã hội và để quy định về thuế GTGT đối với SPNNSC phù hợp với định hướng chính sách, thì cần áp dụng nhất quán đối tượng không chịu thuế đối với sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường tại tất cả các khâu sản xuất, đánh bắt, nhập khẩu, gia công, kinh doanh thương bảo đảm phù hợp nguyên tắc chung của quy định thuế GTGT, liên thông về thuế GTGT trong chuỗi giá trị SPNNSC, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị SPNNSC; đồng thời, khuyến khích chuỗi giá trị SPNNSC phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS. TS Đặng Văn Thanh!

Hải Yến