ỦY BAN PHÁP LUẬT TÁN THÀNH BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

16/08/2024 10:00

Trong khuôn khổ Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 25, sáng 16/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 25

Tham dự phiên họp có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.

Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan có liên quan.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế. Đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Về nội dung chính sách, dự án luật tập trung điều chỉnh: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Về thời hạn trình và quy trình thông qua, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng

Đối với dự án Luật Phòng bệnh, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về công tác phòng bệnh; khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Nội dung chính của dự án Luật Phòng bệnh gồm 05 chính sách: Hoàn thiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh; Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; Phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh đã được Bộ Y tế chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành 

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về lý do chưa sửa đổi toàn diện Luật BHYT để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục, xử lý các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra.

Về nội dung các chính sách, các ý kiến lưu ý: Tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia BHYT bắt buộc được chuyển sang tham gia BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục duy trì quyền lợi BHYT của người lao động; Đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để bảo đảm tính khả thi;..

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng thêm về các nội dung liên quan đến một số đối tượng dự kiến bổ sung vào nhóm tham gia theo hộ gia đình; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh;…

Đối với thời điểm trình, đa số ý kiến tán thành trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp, trong đó với lần sửa đổi này đề nghị chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ và có sự đồng thuận cao, nhất là sửa đổi các nội dung để bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, tháo gỡ những bất cập, khó khăn đã được xác định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang 

Cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đủ các thành phần tài liệu theo quy định tại Điều 37 của Luật BHVBQPPL, tuy nhiên nội dung các tài liệu cụ thể trong hồ sơ như Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Đề cương chi tiết cần phải được tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm yêu cầu.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, Hồ sơ dự án Luật chưa xác định rõ được phạm vi điều chỉnh của Luật; các chính sách đề xuất không chỉ giới hạn trong phạm vi phòng bệnh, mà bao gồm cả nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; cách thức thể hiện trong một số nội dung chính sách không chỉ là phòng bệnh mà là phòng, chống bệnh tật và cả tai nạn thương tích;…

Bên cạnh đó, nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật còn một số vấn đề cần được tiếp tục làm rõ; đề nghị tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện và chuyên sâu hơn nữa để làm rõ sự cần thiết, cơ sở của việc đề ra các chính sách….  Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị tiếp tục củng cố, hoàn thiện Báo cáo tổng kết, rà soát các quan hệ xã hội, nghiên cứu kỹ lưỡng làm rõ tên gọi, xác định phù hợp phạm vi, đối tượng điều chỉnh; đảm bảo thống nhất với các luật hiện hành.

Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến 02 dự án luật được đề nghị bỏ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của Bộ y tế trong quá trình tham mưu, giúp Chính phủ trình bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Phòng bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành 02 dự án luật nêu trên nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đồng thời, kịp thời khắc phục một số hạn chế, vướng mắc, bất cập hiện nay.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Ủy ban Pháp luật thống nhất báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự án luật được đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp. Đồng thời, đề nghị tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ và có sự đồng thuận cao,…; nhất là sửa đổi các nội dung để bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được xác định.

Do thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 8 không còn nhiều, vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật gửi đến các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 9/2024.

Đối với dự án Luật Phòng bệnh, do vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, tránh chồng chéo. Vì vậy, đề nghị sẽ xem xét bổ sung dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 ngay khi Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương, sớm hoàn thiện Hồ sơ, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình.

***Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phiên họp toàn thể lần thứ 25 của Ủy ban Pháp luật 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp 

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Trường Giang tham dự phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng

Đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành có liên quan tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Ủy viên Thường trực của Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám

Phó Chủ nhệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ  về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025./.

Lê Anh - Nghĩa Đức