CỬ TRI TỈNH NINH THUẬN: RÀ SOÁT, SỬA ĐỔI CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG

16/08/2024 13:20

Cử tri tỉnh Ninh Thuận cho rằng tại điểm a khoản 4 Điều 8 Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/04/2023 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã viện dẫn chưa phù hợp: “Kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thực hiện tại khoản 2 Điều 3”. Kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi cụm từ: “khoản 2 Điều 3” thành “Khoản 3 Điều 3”.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH THUẬN: CHÚ TRỌNG LỒNG GHÉP GIỮA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, KHẢO SÁT, TIẾP XÚC CỬ TRI VỚI HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Theo quy định của Thông tư 21/2023, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Ảnh minh họa

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội vừa nhận được văn bản số 8443/BTC-HCSN của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Ninh Thuận gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri tỉnh Ninh Thuận cho rằng, tại điểm a khoản 4 Điều 8 Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/04/2023 của Bộ Tài chính viện dẫn chưa phù hợp: “Kinh phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thực hiện tại khoản 2 Điều 3”. Kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi cụm từ: “khoản 2 Điều 3” thành “Khoản 3 Điều 3”.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận, Bộ Tài chính cho rằng, để một số chính sách về bảo vệ rừng và các mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, thực hiện phù hợp với thực tiễn, Chính phủ đã giao Bộ NN và PTNT chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/05/2024 về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, thay thế Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/09/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp... Theo đó, Nghị định số 58/2024/NĐ-CP đã quy định các nội dung hỗ trợ và tăng mức hỗ trợ trong công tác bảo vệ rừng đối với từng loại rừng, trong đó có quy định chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 50.000 đồng/ha.

Hiện nay, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tại điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, điểm b khoản 1 Điều 2 Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ NN và PTNT đang chủ trì, đề nghị các địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/09/2022 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ NN và PTNT để rà soát, sửa đổi các quy định nội dung, mức chi tại Thông tư số 21/2023/TT- BTC ngày 14/04/2023 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan./.

Minh Thành