PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: KỲ VỌNG VIỆT NAM TỪNG BƯỚC TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA ĐÔNG NAM Á

16/08/2024 14:27

Các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng thể hiện vai trò, đóng góp quan trọng của mình trong nền kinh tế đất nước, cũng như đời sống tinh thần của người dân. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kỳ vọng, với những chiến lược đúng đắn trong dài hạn và sự quyết tâm của toàn xã hội, Việt Nam sẽ từng bước trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á trong 10-20 năm tới.

PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG – SÁNG NGỜI MỘT NHÂN CÁCH LỚN, MỘT TẤM GƯƠNG LỚN

GÓC NHÌN: NGHĨ VỀ NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN VÀ TRÁCH NHIỆM THẾ HỆ HÔM NAY

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Công nghiệp văn hóa ngày càng được quan tâm và được nước ta xác định động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ngoài những lợi ích về kinh tế, công nghiệp văn hóa còn có thể mang lại những giá trị bền vững gì, thưa đại biểu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng, các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể mà còn đóng góp nhiều giá trị bền vững khác, bao gồm các giá trị xã hội, văn hóa và môi trường.

Đầu tiên, các ngành công nghiệp văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc quảng bá và tôn vinh các giá trị văn hóa thông qua nghệ thuật và các sản phẩm văn hóa giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa.

Thứ hai, các ngành công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục cộng đồng về lịch sử, truyền thống và giá trị văn hóa. Các hoạt động nghệ thuật và sáng tạo khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và hiểu biết sâu sắc về thế giới. Các ngành công nghiệp sáng tạo, như xuất bản, phim ảnh, và truyền thông, đóng góp vào việc phát triển tri thức và cung cấp nguồn thông tin phong phú, đa dạng cho công chúng.

Thứ ba là tạo việc làm và phát triển cộng đồng. Các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng, đặc biệt là trong các ngành nghệ thuật, thiết kế, truyền thông và du lịch. Các dự án văn hóa và nghệ thuật thường có tác động tích cực đến sự phát triển cộng đồng, tạo ra môi trường sống tốt hơn và gắn kết cộng đồng.

Thứ tư là khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Các ngành công nghiệp văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, khuyến khích các nghệ sĩ và nhà sáng tạo phát triển các ý tưởng mới và phong cách nghệ thuật độc đáo. Các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật có thể tạo ra những đổi mới xã hội, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và tư duy của con người về các vấn đề xã hội.

Thứ năm là góp phần bảo vệ môi trường. Các ngành công nghiệp văn hóa có thể thúc đẩy các thông điệp về bảo vệ môi trường thông qua các sản phẩm nghệ thuật và các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của con người đối với môi trường. Các dự án văn hóa thường hướng đến sự phát triển bền vững, kết hợp giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể thấy rất nhiều những ví dụ ở Hà Nội ở các không gian công cộng đã thực hiện rất tốt các thông điệp này.

Thứ sáu là góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và tăng cường ngoại giao văn hóa. Các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, thể hiện bản sắc văn hóa và giá trị dân tộc. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao văn hóa, tăng cường mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua các hoạt động giao lưu và hợp tác văn hóa.

Phóng viên: Là chuyên gia nghiên cứu sâu về kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Xin đại biểu chia sẻ đánh giá của mình về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và những kỳ vọng đối với ngành công nghiệp này ở nước ta trong những năm sắp tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi đánh giá, Việt Nam chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hoá. Bởi đất nước ta có bề dày lịch sử lâu đời, qua đó, hình thành nên rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Bất kỳ ai đến với Việt Nam chắc hẳn đều ấn tượng trước kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiên nhiên trên khắp Việt Nam. Sự đa dạng, phong phú của văn hóa ở các vùng miền, qua các lễ hội, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, cảnh quan văn hóa, ẩm thực... Tất cả trở thành những chất liệu tuyệt vời cho phát triển công nghiệp văn hóa.

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn kỳ vọng, với những chiến lược đúng đắn trong dài hạn và sự quyết tâm của toàn xã hội, Việt Nam sẽ từng bước trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á trong 10-20 năm tới

Trong những năm sắp tới, tôi thực sự kỳ vọng công nghiệp văn hóa của Việt Nam sẽ đạt được nhiều bước tiến quan trọng, để không chỉ đóng góp nhiều hơn nữa về văn hóa, mà còn cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa. Các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế và thời trang sẽ phát triển mạnh mẽ, với nhiều sản phẩm chất lượng cao và phong phú. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ được bảo tồn và phát huy hiệu quả, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Môi trường sáng tạo sẽ được khuyến khích và hỗ trợ, với nhiều chính sách ưu đãi cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và các doanh nghiệp văn hóa...

Từ đó, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp ngày càng lớn vào GDP quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan như du lịch, truyền thông và giáo dục. Các sản phẩm văn hóa Việt Nam sẽ không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu rộng rãi ra quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới, góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á.

Phóng viên: Liệu đến khi nào và phải làm sao Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á, thưa đại biểu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đó là kỳ vọng của tôi đối với công nghiệp văn hóa của nước ta, tuy vậy, để Việt Nam có thể từng bước trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á, tôi cho rằng, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, môi trường đồng bộ, thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong đó, Nhà nước cần triển khai và thực hiện tốt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; có các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và địa vị pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là cho các dự án sáng tạo và khởi nghiệp.

Tiếp theo là đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, bằng cách xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng văn hóa, như nhà hát, bảo tàng, trung tâm văn hóa và các khu vui chơi giải trí chất lượng cao; phát triển hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo, như mạng internet tốc độ cao, các nền tảng trực tuyến và công nghệ tiên tiến.

Thêm vào đó là tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường đào tạo chuyên sâu cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và nhân viên trong ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ; hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành.

Cùng với đó, tôi nghĩ rằng, quảng bá và tiếp thị cũng cần phải được đầu tư quan tâm hơn nữa. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các kênh truyền thông hiện đại, các sự kiện quốc tế và các chiến dịch marketing chiến lược. Tổ chức các liên hoan nghệ thuật, triển lãm và sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam để thu hút sự chú ý của truyền thông và du khách quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn lực và mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam tham gia các chương trình giao lưu, biểu diễn và hợp tác quốc tế.

Cuối cùng là tạo ra một môi trường đổi mới và sáng tạo ở tất cả các địa phương và trên cả nước. Chúng ta cần khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong các lĩnh vực văn hóa, hỗ trợ các dự án nghệ thuật độc đáo và các ý tưởng mới; sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển các sản phẩm văn hóa số, như phim ảnh, âm nhạc trực tuyến, và các ứng dụng di động.

Tôi nghĩ rằng, việc trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á không phải là một quá trình diễn ra trong ngắn hạn, mà cần sự nỗ lực liên tục trong nhiều năm. Và tôi tin tưởng, với những chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm của toàn xã hội, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này trong vòng 10-20 năm tới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa và cộng đồng, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công chúng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương – Phạm Thắng