Thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”

31/08/2024 10:47

Có nên tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội là ý kiến băn khoăn của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới. Qua giải trình của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật, các ý kiến thống nhất cần thiết tách vụ án nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 05 phần, 11 chương và 173 điều (trong đó, đã bỏ 05 điều, bổ sung mới 13 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).

Tham gia góp ý vào dự án Luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024), các đại biểu quan tâm đến vấn đề tách vụ án có người chưa thành niên (NCTN) phạm tội được quy định tại Điều 136 của dự thảo Luật. Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật phải tách riêng vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết độc lập. Một số ý kiến đề nghị không tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội.

Cần tách vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết độc lập

Qua giải trình của Cơ quan soạn thảo (Tòa án nhân dân tối cao) và Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) về dự án Luật này, các ý kiến cho rằng, việc tách vụ án có NCTN phạm tội là cần thiết nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả các quy định chuyên biệt, các chính sách thân thiện, tiến bộ, nhân văn hơn dành cho NCTN.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Băn khoăn có nên tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 136 của dự thảo Luật hay không, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã đề xuất tùy theo điều kiện thì sẽ tách hoặc không tách vụ án có NCTN phạm tội. Tuy nhiên, qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình của Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tư pháp, đại biểu nhận thấy, việc tách vụ án người chưa thành niên phạm tội là rất hợp lý.

“Trước đây tôi ý kiến vì ngại nhất là cơ quan điều tra của Viện kiểm sát và cơ quan công an nếu tách 2 vụ án riêng ra thì sẽ xử lý khó, đặc biệt trong điều tra trẻ em riêng, người lớn riêng mà chung một vụ án, việc tách như vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan điều tra đã thống nhất là tách riêng vụ án ra, do đó tôi thấy rất đồng tình”.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất nên tách vụ án có NCTN phạm tội ra cho rõ ràng, cụ thể, riêng biệt, thực tiễn. Quy định như vậy là có cơ sở vì khi giam giữ trẻ em trong điều tra, truy tố, đặc biệt trong thời gian điều tra chung một vụ án, thời gian người trưởng thành bị tạm giam thường kéo dài, và thời gian trẻ em bị tạm giam cũng sẽ giống như với người lớn, đây là một điều bất hợp lý. Do đó, đại biểu đồng tình tách vụ án như dự thảo Luật quy định và thống nhất ý kiến với Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra về nội dung này.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đồng tình cao với việc tách riêng vụ án NCTN phạm tội để giải quyết độc lập. Bởi xuất phát từ quan điểm, mục đích, yêu cầu xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đạo luật chuyên biệt, thân thiện, nhân văn dành cho người chưa thành niên. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời và người tiến hành tố tụng phải đáp ứng các điều kiện được đào tạo hoặc có kinh nghiệm liên quan đến người chưa thành niên.

Do đó, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, nếu không tách vụ án này đối với người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng mà vẫn giải quyết chung trong cả vụ án với người trưởng thành thì sẽ không thể thực hiện được những chính sách mới nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật, thậm chí tạo ra sự mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo Luật, mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và sẽ gây khó khăn lớn trong thực tiễn thi hành.

Xem xét không tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội

Trong khi đó, bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Đinh quan tâm đến vấn đề tách vụ án hình sự đối với NCTN phạm tội dưới góc độ thời gian xử lý, vấn đề thủ tục hành chính và vấn đề chi phí cho việc xử lý vụ án hình sự.

Thứ nhất, về vấn đề thời gian xử lý vụ án hình sự khi tách vụ án, đại biểu Hải Dũng nhận thấy, mong muốn của chúng ta là để xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội nhanh hơn so với các vụ án bình thường. Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng ở đây là bản án và hình phạt đối với bị cáo.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

“Khi bản án và hình phạt là hình phạt tù thì tất cả thời gian tạm giam trước đó được tính vào thời hạn tù, vậy thời hạn tạm giam dài hay ngắn không có ý nghĩa nhiều khi chúng ta xem xét đến điều cuối cùng là bản án phạt tù. Vì vậy, việc tách vụ án hình sự để mong muốn chúng ta điều tra, truy tố, xét xử nhanh hơn đồng nghĩa với việc thời gian tạm giam ngắn hơn cũng không có nhiều ý nghĩa khi tất cả những điều đó đều được tính vào trong án phạt tù đối với bị cáo”, đại biểu nêu rõ. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, dưới góc độ mong muốn thời gian xử lý vụ án hình sự nhanh hơn thì việc tách vụ án không có nhiều ý nghĩa khi NCTN bị xử lý với hình phạt tù.

Thứ hai, khi tách vụ án hình sự, đại biểu nhận thấy, từ 1 vụ án tách hành 2 vụ án thì trong một số hoạt động điều tra, ví dụ như thực nghiệm điều tra, đối chất, các thủ tục hành chính liên quan đến việc đưa bị can từ vụ án này với bị can vụ án khác để tiến hành thực nghiệm điều tra và đối chất lại phát sinh thêm các thủ tục hành chính nên những thủ tục liên quan đến việc xử lý 1 vụ án hình sự sẽ rườm rà, phức tạp thêm, gây khó khăn cho việc xử lý chứ không thuận lợi hơn khi giữ nguyên một vụ án.

Thứ ba, về chi phí cho việc xử lý một vụ án hình sự khi tách ra, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, “nếu chỉ là một vụ án hình sự thì chỉ cần một điều tra viên có thể điều tra được, nhưng khi tách ra, rõ ràng phải cần 2 điều tra viên, từ 1 kiểm sát viên để kiểm sát thì thành 2 kiểm sát viên, Hội đồng xét xử cũng phải 2 Hội đồng xét xử”.

Với những lí do nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận thấy, khi giải quyết 1 vụ án thì chỉ có 1 bộ máy để xử lý vụ án này, giúp tiết kiệm hơn việc tách thành 2 vụ án và phải chi phí cho 2 bộ máy để xử lý gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm. Theo đại biểu, khi tách vụ án ra thì chi phí để xử lý một vụ án hình sự đối với NCTN phạm tội sẽ tốn kém hơn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét không tách vụ án hình sự đối với NCTN phạm tội./.

Bích Ngọc