Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Có lộ trình, xử lý hài hòa các công trình không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy

06/09/2024 22:32

Chiều 6/9, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo buổi làm việc của Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh với UBND tỉnh Phú Thọ phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn khảo sát, đồng chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khảo sát, làm việc tại thành phố Việt Trì về phòng cháy, chữa cháy

Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ. Tham dự buổi làm việc có Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an; đại diện Bộ Xây dựng; Thiếu tướng Trần Văn Bắc, Phó Tư lệnh Quân khu 2. Về phía tỉnh Phú Thọ, dự buổi làm việc với Đoàn khảo sát có ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Hoàng Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn khảo sát, chủ trì phát biểu mở đầu buổi làm việc

Chủ trì, phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, để đạt được chất lượng cao nhất của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức các đoàn khảo sát thực tế tại các vùng miền trên cả nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố đông dân cư, kinh tế xã hội phát triển. Phú Thọ là địa phương thứ 2 Đoàn khảo sát đến làm việc, khảo sát thực tế. Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của toàn bộ người dân, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hy vọng sau buổi khảo sát và làm việc cởi mở, chân thành, chất lượng, tỉnh sẽ cung cấp cho Đoàn khảo sát những thông tin bổ ích phục vụ cho việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại kỳ họp thứ 8 sắp tới với kết quả cao.

Các thành viên Đoàn khảo sát

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH và xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH được chú trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng. Năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” cấp huyện, tỉnh và tham gia vòng loại khu vực 1 tại tỉnh Thái Nguyên đạt kết quả tốt. Tỉnh tiếp tục duy trì 01 mô hình “Cửa hàng xăng dầu an toàn về PCCC”, củng cố 1.305 mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và 342 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định biện pháp xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 năm 2001 có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3680/KH-UBND ngày 21/9/2022 để tổ chức thực hiện, đã chỉ đạo Công an tỉnh rà soát cụ thể danh sách cơ sở thuộc đối tượng Nghị quyết để tập trung hướng dẫn, đôn đốc xử lý. Qua tổng hợp, 34/130 cơ sở đã khắc phục xong, trong đó năm 2024 có 11 cơ sở khắc phục, năm 2023 có 23 cơ sở khắc phục, còn 96/130 cơ sở đang triển khai phương án, kế hoạch khắc phục; chỉ đạo Công an tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các phương án, giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC; rà soát đánh giá cụ thể tình trạng cơ sở, công trình đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC để xử lý xong trong năm 2024. Theo tiến độ Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ sở còn tồn tại về PCCC hoàn thành khắc phục trong tháng 6/2025.

Ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm rõ một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm

Tuy nhiên, nguồn kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC và CNCH còn hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ công tác PCCC, CNCH chưa được khắc phục triệt để bất cập, hạn chế; chưa huy động được nguồn xã hội hoá trong công tác PCCC, CNCH. Việc tổ chức triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH ở một số địa bàn, nhất là ở cấp xã còn yếu. Tình hình cháy còn diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ cháy và cháy lớn.

Góp ý về dự thảo Luật về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuât trong hoạt động PCCC, tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn “việc áp dụng giải pháp kỹ thuật” trong hoạt động PCCC. Quy định phân định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng, đăng kiểm và cơ quan Công an trong tổ chức thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC. Tỉnh đề xuất giao cơ quan Công an thực hiện các hoạt động cấp phép cuối cùng để bảo đảm đồng bộ, khả thi, thuận lợi trong công tác kiểm tra về PCCC.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo, triển khai đạt nhiều kết quả trong công tác PCCC và CNCH, trong đó, đã phát huy vai trò của lực lượng PCCC ở cơ sở, khu dân cư với các Đội dân phòng. Tuy nhiên, trước các nguy cơ cháy nổ do chập điện, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hầu như tất cả các vụ cháy đều do nguy cơ sử dụng điện, thiết bị điện không bảo đảm. Đây là vấn đề đã được quy định tại Điều 22 dự thảo Luật về Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện. Bên cạnh đó, nhiều nội dung liên quan đến Phòng cháy đối với nhà ở, Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; Phòng cháy đối với phương tiện giao thông; Phòng cháy đối với cơ sở…đều được quy định thành các Điều trong dự thảo Luật và sẽ được nghiên cứu, giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.

Liên quan đến quy định về Xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, dự thảo Luật cũng đã quy định tại Điều 58. Còn về Quy định chuyển tiếp tại Điều 61 dự thảo Luật “Đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành đã có quy định về giải pháp xử lý của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy”, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý, nghiên cứu giao Thường trực HĐND quy định việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật; cải tạo chỉnh trang với hạ tầng kỹ thuật, PCCC và công trình công cộng để đảm bảo PCCC. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhấn mạnh, đối với những công trình có trước khi luật PCCC có hiệu lực thi hành, cần có quy định, lộ trình thực hiện và cách thức xử lý hài hòa, vừa tạo điều kiện cho người dân nhưng cũng đảm bảo các quy định về PCCC.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới chụp ảnh lưu niệm tại UBND tỉnh Phú Thọ

Khắc Phục

Other news