Phiên họp thứ 11 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

09/09/2024 08:52

Sáng 9/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng khoa học (HĐKH) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên họp thứ 11 góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH của UBTVQH và TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên HĐKH của UBTVQH đồng chủ trì Phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 10 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp có: các Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện NCLP, Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH của UBTVQH nêu rõ, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ ba trong năm 2024 và là Phiên họp thứ 11 của nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm trao đổi, thảo luận, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Đây là dự án Luật có ý nghĩa quan trọng, góp phần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về hoạt động của Quốc hội, HĐND, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND ngày càng hiệu quả, thực chất hơn; đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu giám sát thực thi pháp luật trong bối cảnh mới của đất nước và các địa phương.

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH của UBTVQH phát biểu khai mạc Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH của UBTVQH Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây (10/2024). Đồng thời, vừa qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã triển khai xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Về cơ bản, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện trên cơ sở bảo đảm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát; việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung phải kế thừa và phát huy những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương liên quan đến đổi mới hoạt động giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Nhấn mạnh đây là một dự án Luật khó, còn nhiều vấn đề cần phải được trao đổi, thảo luận và xem xét kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH của UBTVQH Nguyễn Văn Hiển đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về những vấn đề chính sách cũng như đóng góp ý kiến về những nội dung, điều, khoản cụ thể trong trong dự thảo Luật.

TS. Triệu Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc báo cáo tại Phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp, TS. Triệu Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc cho biết, nội dung của dự thảo Luật được xây dựng bám sát vào 05 chính sách đã được Quốc hội thông qua trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS, gồm: Bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát là bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp cơ sở thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; Sửa đổi,bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát; Sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát; Sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát. Đến nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 38 điều, bãi bỏ 04 điều, 02 khoản của Luật HĐGS hiện hành và bổ sung 20 điều luật mới. 

Cũng theo TS. Triệu Văn Bình hiện có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan tới việc bổ sung nguyên tắc mới trong Luật và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều của dự thảo Luật; quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị; quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Tại Phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận về nguyên tắc bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp cơ sở thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; Thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát; Đồng thời, cho ý kiến về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát;  Các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; Việc trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát…

Lê Anh - Nghĩa Đức