Xác định trách nhiệm để dự án triển khai chậm tiến độ

09/09/2024 14:33

Giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương đến hết năm 2023, Trưởng Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh việc UBND tăng cường kiểm tra giám sát, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án triển khai chậm tiến độ; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương đẩy mạnh giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK THĂM VÀ TẶNG QUÀ CÁC GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH

Đa số dự án được khảo sát chậm tiến độ

Đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương đến hết năm 2023, gồm: (1) Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 12, đoạn Km15+500 - Km31+000 huyện Krông Bông; (2) Dự án Hệ thống trạm bơm và công trình thủy lợi Dur Kmăl, xã Dur Kmăl huyện Krông Ana; (3) Dự án Đường giao thông từ xã Ea Hồ đi xã Tam Giang, huyện Krông Năng (các dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư). (4) Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm điểm du lịch hồ Lắk; (5) Dự án Nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 2 đoạn Km6+431 - Km22+550 huyện Krông Ana; (6) Dự án Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ (các dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư).

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương đến hết năm 2023

Qua khảo sát cho thấy, các dự án nêu trên đa số đã chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra từ ban đầu, nguyên nhân được xác định do: công tác phối hợp trong quá trình thực hiện dự án còn chưa tốt giữa chủ đầu tư với địa phương và các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chưa dự báo được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; công tác kiểm tra, giám sát còn chưa được bảo đảm, dẫn đến các dự án chậm tiến độ trong thời gian dài mà không có hướng xử lý... Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh đề nghị cần tăng cường phối hợp trong giải quyết những vấn đề phát sinh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; thường xuyên rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của dự án, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư

Theo báo cáo tại buổi làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Khóa X đã quyết định chủ trương đầu tư 23 dự án nhóm B sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, với tổng mức đầu tư 5.277.128 triệu đồng. Đến hết năm 2023, trên cơ sở thông báo vốn của Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn triển khai thực hiện dự án là 2.316.490 triệu đồng/23 dự án, đạt tỷ lệ 43,9% theo tổng mức đầu tư; 3 dự án dừng thực hiện, với tổng mức đầu tư 312.365 triệu đồng (đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 3.5.2024).

Đối với 11 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương không giải ngân hết năm 2023, trong đó có 3 dự án vốn nước ngoài do nhà tài trợ không chuyển vốn, kết thúc hiệp định vay hoặc dự án đang quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. 8 dự án vốn trong nước với tổng mức đầu tư 2.371.763 triệu đồng, lũy kế đã bố trí vốn đến hết kế hoạch năm 2023 là 988.351 triệu đồng, đạt tỷ lệ 42,64% theo tổng mức đầu tư. Đến hết kế hoạch năm 2023, đã giải ngân 697.072/988.351 triệu đồng, đạt 70,53% kế hoạch. Gồm các dự án Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ; Dự án Nâng cấp Khoa ung bướu thành Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Dự án Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 12; Dự án Đường giao thông từ Ea Hồ đi Tam Giang, huyện Krông Năng; Dự án Nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 2; Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Trung tâm điểm du lịch hồ Lắk; Dự án Hệ thống trạm bơm và công trình thủy lợi Dur Kmăl, xã Dur Kmăl huyện Krông ana; Dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo UBND tỉnh, các dự án này chậm tiến độ do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; thiếu đất đắp cho công trình; công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa được thực hiện tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được nâng cao... Các dự án này không được Trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 với số vốn 301.325 triệu đồng/8 dự án. UBND tỉnh đang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí lại kế hoạch vốn trong năm 2024.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư nâng cao chất lượng trong công tác phối hợp, kịp thời báo cáo đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai dự án. Nâng cao chất lượng công tác giải ngân, bảo đảm hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn và hiệu quả đầu tư. Tăng cường kiểm tra giám sát, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án triển khai chậm tiến độ. Trong trường hợp Trung ương không thống nhất việc tiếp tục bố trí vốn để thực hiện các dự án trên, đề nghị sớm có giải pháp tiếp tục triển khai hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng để mang lại hiệu quả của việc đầu tư.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 04/CĐ-BKHĐT ngày 7.8.2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đẩy mạnh giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

(Theo báo Đại biểu nhân dân)