Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản tại Quế Sơn

11/09/2024 20:20

Chiều 11/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam do ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Nam dẫn đầu đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, giai đoạn 2017 - 2023 tại huyện Quế Sơn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam giám sát hoạt động khai thác khoáng sản

Đoàn ĐBQH Quảng Nam giám sát các mỏ khoáng sản dọc sông Thu Bồn

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước chủ trì phiên giám sát.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, UBND huyện Quế Sơn đã xây dựng báo cáo đầy đủ về các nội dung thuộc diện giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Các kiến nghị của địa phương thực sự xác đáng, trở thành một trong những cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có cơ sở thực tiễn, tham gia đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật địa chất và khoáng sản sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp đến.

Thống kê, Quế Sơn có 67 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 4 điểm mỏ khoáng sản kim loại và phi kim loại. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã dần đi vào nền nếp. Nâng cao hiểu biết về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để cả hệ thống chính chính trị và cộng đồng dân cư cùng tham gia tích cực vào công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Ngăn chặn được các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản đều được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định. Công tác cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện đảm bảo và đáp ứng được mục tiêu phục hồi môi trường của đề án đã đề ra.

Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản và quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường. Chưa thực hiện triệt để công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ. Công tác cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai khoáng sản nhưng khu vực đấu giá chưa được giải phóng mặt bằng, chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng... Những vướng mắc này đã gây khó khăn cho các đơn vị trúng đấu giá.

Ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn thừa nhận kể từ khi Luật Khoáng sản ra đời và các chính sách, cơ chế, pháp luật có liên quan đã giúp cho việc quản lý hoạt động khoáng sản chặt chẽ. Hạn chế khai thác trái phép, bừa bãi. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản đã dần ổn định, đi vào nền nếp, thực hiện đúng theo các quy định.

Ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản với đoàn giám sát.

UBND huyện Quế Sơn kiến nghị các cấp thẩm quyền rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật về khoáng sản theo nhóm. Thực hiện phân cấp việc quản lý, cấp phép, khai thác sử dụng khoáng sản theo nhóm khoáng sản. Rà soát cắt giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lập hồ sơ thủ tục khai thác và theo dõi, giám sát của địa phương. Việc khai thác khoáng sản phục vụ các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch hoạ, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì cần có quy định cụ thể về quản lý, cấp phép khai thác.

Ngoài ra, địa phương còn đề nghị HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, các sở, ngành chỉ đạo rà soát, đánh giá số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường tại các điểm mỏ. Đảm bảo số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường phải đủ để thực hiện được việc đóng cửa mỏ tại thời điểm giấy phép hết hạn. Hướng dẫn địa phương xử lý trường hợp đơn vị được cấp phép khai thác thua lỗ giải thể, không còn hoạt động bỏ không thực hiện công tác đóng cửa mỏ hoặc trường hợp đơn vị khai thác ký quỹ quá thấp nay không chịu thực hiện công tác đóng cửa mỏ.

Địa phương cần hướng dẫn quản lý, giải quyết đối với các khu vực thực hiện dự án đầu tư có phát sinh đất, đá dư thừa nay cần có phương án giải quyết đất, đá thừa để đảm bảo mặt bằng theo quy hoạch để thi công công trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong khai thác khoáng sản. Tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ về quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Xem xét nâng định biên, số lượng biên chế cán bộ làm nhiệm vụ quản lý khoáng sản cấp huyện, cấp xã để triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả hơn.

Ông Lê Nho Tuấn - Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu, trao đổi ý kiến với địa phương

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho hay địa phương đã thể hiện trách nhiệm trong thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản dù vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong hoạt động này. Đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của địa phương để bổ sung vào báo cáo, làm việc các ngành tìm hướng xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quản lý, khai thác khoáng sản. Ông Phước đề nghị địa phương tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong công tác chỉ đạo quản lý, khai thác khoáng sản, hướng dẫn, giám sát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi chính sách, pháp luật, tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông các nguồn lực, giảm thiểu tình trạng khan hiếm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, sớm cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này, bảo đảm nguồn cung chính đáng cho thị trường, không gây khó khăn cho người dân có nhu cầu. Kiểm soát chặt không để thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách...

(Theo báo Quảng Nam)