Cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo trên nền tảng số

12/09/2024 10:36

Tại Tọa đàm "Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức mới đây, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về nội dung liên quan đến hoạt động quảng cáo trên nền tảng số.

Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo

Toàn cảnh Tọa đàm

Quảng cáo trên các nền tảng số (hay còn gọi là quảng cáo trực tuyến) là hình thức quảng cáo trực tiếp đến đối tượng cụ thể thông qua thư điện tử hoặc cho nhiều người trên một nền tảng chung Youtube, Facebook… Theo các đại biểu, so với phương pháp quảng cáo truyền thống, hoạt động quảng cáo trên các nền tảng số góp phần mang quảng cáo đến nhiều đối tượng hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn và do đó hiệu quả hơn. Quảng cáo số, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và hành vi người tiêu dùng trực tuyến.

Hiện nay, Điều 23 Luật Quảng cáo năm 2012 mới chỉ có quy định quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã  lần này đã bổ sung thêm các quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác, quảng cáo trên mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến…

Về vấn đề này, các ý kiến đại biểu đều cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên không gian mạng phải tuân thủ để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng thời gian qua.

Ông Bùi Quang Cường, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Cho rằng hoạt động quảng cáo trên nền tảng số là vấn đề mới, ông Bùi Quang Cường, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nêu rõ, hoạt động quảng cáo số sẽ cá nhân hóa từng người, dự đoán được nhu cầu của từng người dựa trên dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo số sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng có thể tạo ra một số nguy cơ về nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm, quyền riêng tư, bong bóng thông tin... Do vậy, để đảm bảo hoạt động quảng cáo số phát triển lành mạnh, việc sửa đổi Luật Quảng cáo và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo trên nền tảng số hiện nay là cần thiết, đúng thời điểm.

Đặc biệt quan tâm đến nội dung này, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Bình Minh đã có tham luận đóng góp cho Tọa đàm. Theo đó khẳng định, môi trường pháp lý cho hoạt động quảng cáo trên nền tảng số hiện nay cần phải được quy định rõ ràng. Đồng nghĩa với việc, các quy định pháp luật về quảng cáo trên nền tảng số cần được hoàn thiện hơn, cụ thể, dễ hiểu và dễ thực thi, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ triển khai.

Các đại biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, các nhà quảng cáo và nền tảng thương mại điện tử phải đảm bảo tốc độ internet tối thiểu cho các hoạt động quảng cáo số, thiết bị di động thông minh và các nền tảng công nghệ số cần được phát triển đồng bộ. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về cạnh tranh, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (quảng cáo gian dối). Đồng thời, cần có quy định về chuẩn nghề nghiệp quảng cáo số để đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên môn, hiểu rõ quy định pháp luật về quảng cáo số, có đạo đức nghề nghiệp, về marketing kỹ thuật số, sáng tạo nội dung và phân tích dữ liệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để hoạt động quảng cáo trên các nền tảng số đi vào nề nếp và phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định pháp luật về quảng cáo cần được cập nhật quy định về thông điệp quảng cáo số để phù hợp với sự phát triển của công nghệ số và xu hướng tiêu dùng số; xác định rõ các hành vi bị cấm; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo trong thương mại điện tử. Có thể ngăn chặn hoặc cấm các định danh vì phạm nhiều lần hoặc nghiêm trọng.

Theo Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Bình Minh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng cần bổ sung quy định về sử dụng công cụ lọc thông tin. Sớm phát hiện và ngăn chặn và đưa vào bộ lọc những thông tin tiêu cực, sai sự thật, vi phạm pháp luật. Cảnh báo sớm các nguy cơ cho các bên có liên quan… Tuy nhiên cần lưu ý, việc lưu trữ thông tin quảng cáo phải đảm bảo bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, quyền riêng tư của người tiêu dùng nhưng vẫn hỗ trợ việc chia sẻ thông tin của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người làm quảng cáo số cũng là một giải pháp hết sức cần thiết. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định về việc tổ chức các khóa đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, các quy định pháp luật về quảng cáo cho người làm quảng cáo số và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo số. Các cơ quan quản lý cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề để tổ chức đào tạo và cập nhật các quy định về pháp luật trong quảng cáo cho các doanh nghiệp và nguồn nhân lực. Đồng thời, cần nghiên cứu để ây dựng và phổ biến bộ quy tắc ứng xử trong ngành quảng cáo số…

TS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, quảng cáo trên nền tảng số là vấn đề ngày càng nhận được sự quan tâm của cả thế giới. Chính vì thế, Chính phủ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp nhằm từng bước nhằm lành mạnh hóa lĩnh vực quảng cáo. Tại Úc, quảng cáo điện tử được điều chỉnh theo quy định của Đạo luật SPAM năm 2003, theo đó, thông điệp thương mại điện tử gồm email và tin nhắn điện tử với mục đích quảng cáo/tiếp thị không được phép gửi khi chưa được người nhận cho phép. Hay ở Bỉ, cơ quan quản lý quảng cáo của Bỉ sẽ chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động quảng cáo/tiếp thị điện tử cũng như việc sử dụng thông tin cá nhân người tiêu dùng (ví dụ thư điện tử có tên người nhận). Tương tự như Úc, việc gửi thư điện tử hay tin nhắn với mục đích thương mại phải được phép của người nhận hoặc vì lợi ích hợp pháp của người quản lý. Tại Pháp, hoạt động quảng cáo/tiếp thị qua nền tảng số cũng chỉ được phép khi người nhận chấp thuận tại thời điểm bên chuyển tải thu thập địa chỉ email của người nhận…  

Theo TS. Đặng Minh Đạo, việc các quy định về hạn chế, kiểm soát quảng cáo như vậy là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng khi sử dụng những hàng hóa được quảng cáo trực tuyến.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, Cơ quan soạn thảo cũng cần có những quy định cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý trong hoạt động quảng cáo trên nền tảng số thông qua việc kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm. Theo đó, các cơ quan quản lý cần kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo số trên các nền tảng thương mại điện tử chặt chẽ hơn. Cần có công cụ số sử dụng API để kiểm tra thời gian thực hoặc hậu kiểm hoạt động quảng cáo trên các nền tảng số một cách thuận tiện. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, các cơ quan quản lý cần có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, phải có quy định về thời hạn xử lý vi phạm tránh tình trạng để tồn đọng và kéo dài thời gian các vi phạm./.

Thu Phương

 
  • Kỳ họp thứ 7
  • Kỳ họp thứ 1
  • Kỳ họp thứ 5
  • Kỳ họp thứ 4
  • Kỳ họp thứ 3
  • Kỳ họp thứ 2
  • Kỳ họp thứ 1