Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

17/09/2024 12:15

Tại Hội thảo: “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV” diễn ra sáng 17/9, các nhà khoa học, đội ngũ trí thức đã tập trung đóng góp ý kiến vào nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống thực tiễn để trình Quốc hội xem xét, yêu cầu các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri...

Huy động nguồn lực từ các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Phát huy vai trò chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội

Toàn cảnh Hội thảo

Sáng 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”. Chủ tịch Liên hiệp Hội Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Công văn số 8830/MTTW-BTT ngày 26/8/2024 về việc báo cáo phản ánh, kiến nghị của Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gửi Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam – cơ quan đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, với số lượng lên đến 2,2 triệu trí thức, chiếm tới 32,5% đội ngũ trí thức cả nước là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bởi đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Nhiều vấn đề thiết thực cần được chú trọng quan tâm

Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà khoa học, đội ngũ trí thức đã tập trung đóng góp vào những vấn đề trọng tâm như: Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng luật; phát huy sự đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và các lĩnh vực, sự phát triển của đất nước; xây dựng nền hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Các đại biểu, nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham dự Hội thảo

TS Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Hiện nay, tất cả các sáng kiến luật, dự thảo luật hầu hết đều do các cơ quan của Chính phủ thực hiện và Quốc hội trên cơ sở dự thảo luật do Chính phủ trình sẽ thảo luận, nếu thấy cần thiết sẽ yêu cầu cơ quan trình dự thảo bổ sung, điều chỉnh. Khi được đa số các đại biểu Quốc hội tán thành biểu quyết thông qua thì văn bản luật đó được ban hành và thực thi.

Theo TS Phạm Văn Tân, bên cạnh việc cơ quan hành pháp được giao việc xây dựng văn bản luật, Quốc hội cần xem xét việc giao cho cơ quan, tổ chức nào thực hiện việc xây dựng các văn bản luật để trình Quốc hội như: tổ chức ngoài Nhà nước, các tổ chức xã hội, người dân cũng được ủng hộ trong sáng kiến xây dựng pháp luật như thông lệ quốc tế.

TS Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Từ vấn đề trên, TS Phạm Văn Tân cho rằng, có thể các nhiệm kỳ sau Quốc hội nên xem xét việc tăng cao thêm tỷ lệ các đại biểu Quốc hội chuyên trách để Quốc hội có thể chủ động đảm nhiệm việc xây dựng các văn bản pháp luật thay vì Quốc hội chỉ thảo luận, cho ý kiến và thông qua như hiện nay.

Liên quan đến việc thu hút và phát huy đội ngũ trí thức cho sự phát triển đất nước, TS Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nhận thấy, trong nhiều năm qua, chủ trương của Đảng về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam đã được triển khai tốt, song để thể chế hóa, luật hóa các quan điểm của Đảng về phát triển đội ngũ trí thức thì hiện chưa có hành lang pháp lý đầy đủ.

TS Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam 

Công tác quản lý Nhà nước về hội còn bất cập, hệ thống pháp luật về hội chưa đồng bộ, có các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau để điều chỉnh các hội (các hội được điều chỉnh theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Liên đoàn Luật sư Việt Nam được điều chỉnh theo Luật Luật sư, Hiệp hội Công chứng theo Luật Công chứng… khá chồng chéo và bất cập). Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành Luật về hội để góp phần đẩy mạnh việc quản lý và tổ chức hội ở nước ta, thúc đẩy việc đoàn kết, tập hợp lực lượng đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia, hiến kế cho Đảng và Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng, quyết sách lớn mang tầm chiến lược để góp phần phát triển đất nước.

Đóng góp ý kiến về xây dựng nền hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, ông Hồ Đình Lưỡng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội  Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm: Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng hỗ trợ, kiến tạo, đồng hành với Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mọi hoạt động. 

Ông Hồ Đình Lưỡng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ

Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm hơn trong việc kiến tạo các cơ chế đột phá, đặc thù, hướng đi mới, cách làm đột phá trong thẩm quyền hoặc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để tạo thêm cơ chế, động lực mới góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm, kết quả từ thực tiễn và tiếp cận kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, trong khu vực và có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó là chỉ đạo tập trung đổi mới, sáng tạo ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước các cấp để có nhiều hướng tiếp cận, cách làm hay, chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác đón tiếp, hướng dẫn, xúc tiến đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, góp phần tạo môi trường thuận lợi, hài hòa, thúc đẩy đầu tư, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong toàn xã hội.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan thực thi pháp luật cần quan tâm, chú trọng đến văn hóa xử phạt nhất là xử phạt những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến số đông người dân và liên quan đến từng tính chất của sự việc. Bên cạnh cơ chế xử phạt, các cơ quan chức năng nên coi trọng, quan tâm đến văn hóa hướng dẫn, tuyên truyền, thuyết phục để tạo sự đồng thuận và sự tự giác chấp hành pháp luật vì sự phát triển của đất nước. 

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các trí thức khoa học và công nghệ tại Hội thảo. Đây sẽ là cơ sở để Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết. Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất đóng góp để Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét và gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo:“Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”

Ban chủ tọa điều hành Hội thảo

Các nhà khoa học, đội ngũ trí thức trao đổi tại Hội thảo

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Hội Thủy sản Việt Nam

Ông Phạm Văn Sơn - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam

Ông Lưu Đức Hải - Chủ tịch hội Kinh tế môi trường Việt Nam

Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch và phát triển

Bà Phạm Thị Hồng - đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Hội thảo, đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các trí thức khoa học công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan - Nghĩa Đức