Nhiều vấn đề nổi cộm, phát sinh trong đời sống xã hội gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

19/09/2024 11:35

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Với mong muốn các vấn đề nổi cộm, còn tồn tại, phát sinh trong đời sống xã hội được Quốc hội khóa XV lắng nghe, tiếp nhận và được các cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết kịp thời, nhiều nhà khoa học và đội ngũ trí thức đã có những ý kiến đóng góp, đề xuất với tinh thần trách nhiệm cao nhất...

Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam – cơ quan đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, với số lượng lên đến 2,2 triệu trí thức, chiếm tới 32,5% đội ngũ trí thức cả nước là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bởi đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách,pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Thông qua việc lấy ý kiến này cũng sẽ là cơ sở để Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết. 

Cần xây dựng đường sắt tốc độ cao chở được cả người lẫn hàng hoá

Tại Hội thảo: “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV” do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, đóng góp ý kiến và đề xuất về phương án xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, GS.TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chính phủ quyết định xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao là đúng đắn và phù hợp trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xây dựng đường sắt tốc độ cao chở được cả người lẫn hàng hoá. Không nên xây dựng đường sắt chỉ chở người.

GS.TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam

Cộng hòa Liên bang Đức là đất nước rất phát triển, nhưng đã khẳng định không xây dựng đường sắt cao tốc, mà chỉ nâng cấp để hệ thống đường sắt hiện tại (tốc độ 140 km/giờ) đạt tốc độ khai thác bình quân 180 km/giờ. Vì sau khi làm thử một tuyến cao tốc, kinh phí quá tốn kém, mà nhanh hơn không nhiều. Ngoài Đức còn nhiều nước khác tuyên bố không xây dựng đường sắt chỉ chở người như Áo, Ai Cập và đặc biệt là Thái Lan ….

Tỷ trọng chi phí logistics bình quân của các nước trên thế giới dao động từ 8% đến 10% GDP. Các nước phát triển có hệ thống logistics hiệu quả hơn, nên tỷ trọng chi phí logistics trung bình thấp hơn 8%. Tỷ trọng chi phí logistics của Việt Nam năm 2023 bình quân  khoảng 18-20% GDP, cao hơn khoảng 2 lần so với mức bình quân của thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối tốt giữa các phương tiện giao thông. Việt Nam có nhiều cảng nước sâu nhưng lại chưa được kết nối với hệ thống đường sắt.

Để giảm chi phí logistic, theo GS.TS Đào Xuân Học cho rằng, Việt Nam rất cần có hệ thống đường sắt Bắc Nam khổ rộng 1435, kết nối với các cảng nước sâu và các vùng kinh tế lớn. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Quốc gia, trong đó đã có nội dung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khổ 1435. Tuy nhiên, để giảm giá thành Logistic thì đường sắt tốc độ cao phải chở được cả người và hàng.

Tăng cường bảo vệ người dân tránh rơi vào vòng xoáy của “tín dụng đen”, cho vay online

Thời gian gần đây, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã chuyển sang hoạt động cho vay thông qua các ứng dụng online rất tinh vi khi tạo lập và liên kết hàng chục các ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau. Khi thấy người vay không có khả năng chi trả, chúng sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để vay tiền trả nợ, dần dần người vay sẽ rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay với mức lãi suất tăng lên theo bội số nhân.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau Võ Thanh Trà

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau Võ Thanh Trà nhấn mạnh: Những hệ lụy “tín dụng đen” đã không đơn thuần chỉ là một loại tội phạm mà còn trở thành vấn đề gây bức xúc trong toàn xã hội. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an trong đấu tranh, xử lý tội phạm, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa từ việc giải quyết ổn định dân sinh, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn chính sách. Song, vấn đề cốt lõi vẫn là bản thân mỗi người dân, cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng trước những ưu đãi lãi suất, tránh trở thành “con mồi” rơi vào bẫy “tín dụng đen”.

Ngoài ra, ông Võ Thanh Trà cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng các đối tượng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… kết bạn, mời tham gia làm việc để kiếm tiền. Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng lòng tham của người bị hại khi chỉ cần thực hiện những nhiệm vụ, công việc đơn giản mà cũng có thể kiếm ra tiền, như xem, like, share video, bài viết, đăng bài bán hàng, góp vốn đầu tư với lợi nhuận cao mà không cần có chuyên môn... Các đối tượng thường yêu cầu người chơi cung cấp thông tin cá nhân, đặt trước một số tiền nhất định; tải các ứng dụng, phần mềm không rõ ràng, thông thường ban đầu chúng trả tiền và hoa hồng cao, đều đặn để “kích thích” dụ dỗ người chơi tham gia, nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tung tích nhằm chiếm đoạt số tiền đã chuyển.

Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau Võ Thanh Trà cho biết: Hội viên, trí thức tỉnh Cà Mau mong rằng thời gian tới, ngành Công an cần tăng cường hơn nữa việc tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự; kịp thời phát hiện, trấn áp các đối tượng sử dụng hung khí gây rối, đánh nhau; bắt, xử lý các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật, ma túy, tín dụng đen; xử lý hiệu quả vi phạm giao thông, nhất là nồng độ cồn, góp phần phòng ngừa tội phạm và ổn định trật tự, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an trong đấu tranh, xử lý tội phạm, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và bản thân mỗi người dân ngăn ngừa các tội phạm có hiệu quả.

Có biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn để không còn tình trạng khai thác cát lậu, làm ô nhiễm môi trường

Thay mặt cho Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Huy Phục - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch các bệnh dịch. Tăng cường kiểm tra về an toàn, vệ sinh thực phẩm; ưu tiên mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Các chế độ phụ cấp phù hợp cho cán bộ nhân viên y tế.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát ở tỉnh Bến Tre cần được chú trọng hơn (ảnh: TTXVN)

Liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bến Tre Nguyễn Huy Phục cho biết, hiện nay, vấn đề khai thác cát lậu xảy ra nhiều dẫn đến sạt lở các khu vực ven sông nói chung và khu vực người dân sinh sống nói riêng như xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm; cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách…. Các cơ quan chức năng đã bắt và xử lý nhiều vụ việc nhưng vẫn còn tình trạng khai thác cát lậu xảy ra. Do đó, cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn để không còn tình trạng khai thác cát lậu tại địa phương.

Với những vấn đề nổi cộm, còn tồn tại trong đời sống xã hội như trên, các nhà khoa học và đội ngũ trí thức mong muốn được Quốc hội khóa XV lắng nghe, tiếp nhận và được các cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết kịp thời để góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống của người dân./.

Bích Lan