Tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao

23/09/2024 12:59

Cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, các đại biểu cho rằng cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Thường trực Ủy ban Xã hội họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội họp cho ý kiến báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến Kế hoạch và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ đã tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 204521.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo

Bộ cũng đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh, trong đó hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, nghề, lĩnh vực mới nổi, kỹ năng mới (trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ cacbon, năng lượng hydrogen, logictics, đường sắt cao tốc, du lịch halal,...; đánh giá tình hình, kết quả triển khai và đề xuất các giải pháp tổ chức đào tạo, liên kết tổ chức đào tạo hiệu quả các ngành nghề mới, kỹ năng mới; Chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh bằng nhiều hình thức, cung cấp đầy đủ thông tin đến mọi đối tượng người học. Hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng được đẩy mạnh với các đối tác truyền thống và mở rộng ra nhiều đối tác tiềm năng mới, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác về giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động. Phối hợp với một số cơ quan, tổ chức tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập trung nhiều giải pháp tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung ứng cho các ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn. Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, nhất là đối với những ngành nghề mới, kỹ năng mới. Tăng cường hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp để phối hợp tháo gỡ. Chỉ số chất lượng đào tạo nghề Việt Nam cải thiện rõ rệt trong năm 2023, tăng 8 bậc, vượt so với chỉ tiêu đặt ra (5 bậc).

Thường trực Ủy ban Xã hội họp cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Tại phiên họp, các đại biểu cho biết, bên cạnh một số kết quả khả quan đã đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội còn một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, chúng ta đang thiếu nguồn lực hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...

Có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa tháo gỡ được những khó khăn trong việc dạy văn hóa gắn với dạy nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Một số dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa thể triển khai do gặp phải khó khăn, vướng mắc: Dự án “Chương trình Kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện" chưa được phê duyệt điều chỉnh dự án đồng thời Bộ Tài chính chưa phân bổ kế hoạch vốn hợp phần viện trợ không hoàn lại năm 2023 và 2024. Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý trình độ kỹ năng nghề quốc gia tại Việt Nam” đang vướng mắc về việc đáp ứng điều kiện ràng buộc về bố trí cơ sở vật chất để lắp đặt hệ thống, nhân sự và kinh phí vận hành hệ thống sau khi kết thúc Dự án nên chưa được phê duyệt.

Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ rõ, tình hình quan hệ lao động cơ bản duy trì ổn định. Tuy nhiên, giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán vẫn xảy ra một số cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công. Các vụ việc phát sinh không có biến động lớn về tính chất, vẫn chủ yếu là về vấn đề tiền lương, thưởng, do một số nơi người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, chưa thực hiện tốt đối thoại, thương lượng tập thể; mặt khác người lao động còn hạn chế về năng lực đối thoại, thương lượng và giải quyết các vấn đề trong quan hệ lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu

Tình hình tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn chung về hoạt động sản xuất kinh doanh, một số đơn vị, địa phương chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản, quy định về an toàn vệ sinh lao động chưa kịp thời.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2024 vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Ngoài ra, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đây cũng là vấn đề nan giải cần có giải pháp kịp thời và căn cơ trong thời gian tới./.

Hồ Hương