ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu về người lao động để tạo đột phá trong lĩnh vực lao động, việc làm

24/09/2024 08:56

Bàn về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được trình UBTVQH tại phiên họp thứ 37 để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 sắp tới, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho rằng, việc bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động là cần thiết nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuế, bảo hiểm xã hội. Điều này sẽ tạo đột phá cho hệ thống hành chính, tạo môi trường công khai, minh bạch trong quản lý, phục vụ tốt hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội

Phóng viên: Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Đại biểu đánh giá thế nào về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Việc làm trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Nhìn chung, Luật Việc làm năm 2013 đã làm rất tốt vai trò của mình khi điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề về việc làm và thị trường lao động, mở rộng đối tượng thụ hưởng và hỗ trợ cho lực lượng lao động. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, một số điểm của luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh.

Cụ thể, một số quy định trong Luật Việc làm không còn phù hợp với những văn bản pháp luật mới. Ví dụ, các quy định về đăng ký và quản lý lao động, cũng như độ tuổi người lao động, chưa hoàn toàn tương thích với Bộ Luật Lao động 2019. Thêm nữa, một số điều khoản về bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024, vừa mới được Quốc hội thông qua. Ngay cả các quy định liên quan đến điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm cũng không còn ăn khớp với Luật Quy hoạch năm 2017.

Một điểm quan trọng nữa là Luật Việc làm 2013 dường như chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là khi chúng ta đang bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nền tảng là chuyển đổi số. Ở Việt Nam, sự phát triển của kinh tế số đang diễn ra rất mạnh mẽ, mở ra vô số cơ hội việc làm mới, từ những công việc yêu cầu kỹ năng cao cho đến các công việc phổ thông. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều chính sách thực sự thúc đẩy sự phát triển của các hình thức việc làm sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Chúng ta vẫn còn thiếu các quy định hỗ trợ người lao động thích ứng với môi trường việc làm kỹ thuật số và bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia các giao dịch việc làm trên các nền tảng trực tuyến.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Sự kết nối giữa thông tin việc làm ở các vùng, khu vực trong cả nước còn yếu. Chất lượng và tính chuyên nghiệp của các dịch vụ việc làm cũng cần được nâng cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động diễn ra khá phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, kể cả lao động phổ thông lẫn lao động có trình độ chuyên môn cao. Từ những lý do nêu trên, tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Việc làm là hết sức cần thiết để đáp ứng được những yêu cầu mới của xã hội.

Phóng viên: Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng, xin đại biểu có thể nói rõ hơn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực việc làm, đặc biệt là những thách thức hiện tại?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Đúng là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết số 42-NQ/TW đã đặt ra một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là “hiện đại hóa và chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường, kết nối cung - cầu lao động, quản lý nguồn nhân lực, và xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm”. Đây là một yêu cầu rất bức thiết, nhưng chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Một ví dụ cụ thể là việc quản lý lao động hiện nay vẫn còn khá hạn chế, do chưa có quy định cụ thể về đăng ký lao động, nhất là đối với những lao động không có hợp đồng lao động. Trong tổng số 52,5 triệu lao động cả nước, mới chỉ có khoảng 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa là còn khoảng 35 triệu người lao động, tức là chiếm tới 2/3 tổng số lao động cả nước, chưa được thu thập thông tin đầy đủ về tình trạng việc làm và các vấn đề liên quan khác.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thị trường lao động (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Một trong những mục tiêu của đề án này là thu thập và cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động, gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến tháng 7/2024, chúng ta đã thu thập được thông tin của khoảng 34,1 triệu người lao động.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta có thể hoàn thiện cơ sở dữ liệu này và kết nối nó với các dữ liệu quốc gia khác như thuế, bảo hiểm xã hội... thì sẽ tạo ra sự đột phá trong quản lý lao động. Điều này không chỉ giúp quản lý nguồn lao động hiệu quả hơn mà còn tạo môi trường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động một cách tốt hơn.

Phóng viên: Vậy trong lần sửa đổi Luật Việc làm lần này, đại biểu có những đề xuất gì nhằm hoàn thiện các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thị trường lao động?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội: Tôi nghĩ rằng, dự thảo luật cần có những quy định rõ ràng hơn về việc đăng ký và quản lý lao động theo hai nhóm chính. Thứ nhất là người lao động có việc làm, bao gồm cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và những người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thứ hai là nhóm người lao động thất nghiệp, tức là những người đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.

Việc đăng ký, cập nhật thông tin về tình trạng lao động của những đối tượng này nên được thực hiện theo cơ chế đơn giản, tiện lợi hơn. Ví dụ, đối với những người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thông tin có thể được cập nhật thông qua người sử dụng lao động cùng lúc với khi họ nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội. Còn đối với những người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang thất nghiệp, họ có thể tự nguyện đăng ký thông tin qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thông qua các ứng dụng định danh quốc gia.

Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu, tôi đề xuất rằng khi thông tin về người lao động đã được cập nhật trong các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan như bảo hiểm xã hội, dân cư, hoặc thuế... thì người lao động không cần phải cập nhật lại thông tin. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời đảm bảo tính chính xác và minh bạch của dữ liệu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Hồ Hương