UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

24/09/2024 11:34

Tiếp tục Phiên họp thứ 37, sáng ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước

Toàn cảnh Phiên họp

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.

Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời. Đối tượng áp dụng của dự án Luật là: Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam.

Dự án Luật có bố cục gồm 03 điều. Nội dung cơ bản của dự án Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 03 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra

Nêu ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời cho biết, các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung, phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương trong thực hiện quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội.

Các đại biểu tại Phiên họp

Thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 06 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác, do đó cần nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Đối với nội dung về quảng cáo trên mạng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Qua nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải lý giải, làm rõ hơn việc không tiếp tục quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo; đồng thời làm rõ quy định Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, bởi quy định trong Luật hiện hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm bảng so sánh với Luật hiện hành thể hiện rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung và văn bản hợp nhất các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung để thuận lợi cho quá trình theo dõi. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, đối với những nội dung yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể đã được quy định tại luật chuyên ngành thì không nên quy định lặp lại ở trong dự thảo Luật mà chỉ nên viện dẫn. Còn đối với những nội dung mà đã được thực hiện ổn định, thống nhất rồi nhưng chưa được quy định trong các luật chuyên ngành thì có thể quy định trong dự thảo Luật này hoặc có thể giao cho Chính phủ quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Riêng về quảng cáo trên mạng, các ý kiến phát biểu nêu rõ, hiện nay thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống sang quảng cáo trên không gian mạng hay là nền tảng số; đồng thời nhấn mạnh đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng, do vậy cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, đồng thời rà soát với các cam kết quốc tế để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng, không gian mạng hay là nền tảng số, nhằm đảm bảo tính khả thi và dự báo cao.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Quan tâm đến nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo Luật mới có các quy định tập trung điều chỉnh với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, chưa bao quát được hoạt động quảng cáo khác trên không gian mạng nói chung. Thực tế đang đòi hỏi không chỉ quản lý với quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram mà còn cần quản lý với quảng cáo trên các hình thức qua thư điện tử, email, các thiết bị viễn thông (tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến).

Nhấn mạnh đòi hỏi này của thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, cần sửa đổi tên của khoản 11, Điều 1 của dự thảo Luật và các nội dung của Điều này để bao quát hết các hình thức quảng cáo trên không gian mạng. Đồng thời rà soát các điều khoản khác như vậy để bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan tại Luật An ninh thông tin mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành luật, Báo cáo đánh giá tác động và các tài liệu có liên quan theo ý kiến góp ý của Cơ quan chủ trì thẩm tra và các ý kiến phát biểu tại Phiên họp.  Đồng thời, lưu ý, một số quy định của dự thảo Luật cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo như: Quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…

Về quy định đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung khái niệm, quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, về các quy định cụ thể, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến Cơ quan chủ trì thẩm tra, các ý kiến tại Phiên họp sáng nay để hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Luật, khắc phục được thực tế hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội bao gồm cả người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa,  dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung trách nhiệm của các bộ có liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Công an và các bộ, ngành khác vào dự thảo Luật để đảm bảo các yêu cầu về an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh trật tự…  Cùng với đó, cần nghiên cứu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội về việc không quy định cụ thể trách nhiệm cấp huyện, cấp xã trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Ngay sau Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; làm rõ các nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Phiên họp

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, xây dựng hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ, bảo đảm tính khách quan, khoa học

Các đại biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận

Thu Phương - Nghĩa Đức