Bình Dương: Cử tri ngành giáo dục quan tâm nhiều đến chế độ chính sách đối với Nhà giáo

24/09/2024 13:13

Chiều 23/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh; lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi)

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo tới cử tri về dự kiến thời gian và nội dung của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp thứ 8 dự kiến được tổ chức trong 25,5 ngày làm việc chính thức và tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 diễn ra từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024. Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024.

Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến các nội dung: xem xét, thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cử tri phát biểu ý kiến liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo

Đồng thời, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân báo cáo một số nội dung chính sách mới được xây dựng trong dự thảo Luật Nhà giáo trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Theo đó dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, quy định về những nội dung cơ bản nhằm cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, cử tri đã phát biểu đóng góp ý kiến liên quan đến các chế độ chính sách đối với nhà giáo như cải cách tiền lương vẫn giữ nguyên chế độ phụ cấp thâm niên; thống nhất quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở 55 tuổi; xem xét đối với nữ giáo viên ở tất cả các cấp học đủ 55 tuổi mà có thời gian công tác 35 năm được nghỉ hưu và hưởng nguyên lương...

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri chuyển tới cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

(Theo báo Bình Dương)