Tháo gỡ, khắc phục triệt để tình trạng thiếu vắc-xin, vật tư y tế

09/10/2024 08:44

Tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, thiếu vật tư y tế… chưa được khắc phục triệt để là một trong những nội dung được quan tâm thảo luận tại Phiên họp thứ 38. Để khắc phục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp hiệu quả tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc; gắn trách nhiệm của địa phương trong triển khai thực hiện,…

Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, việc thiếu vắc xin đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến tháng 9/2024 vẫn còn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến việc nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; đánh giá về ảnh hưởng khi trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với những vắc xin được chỉ định tiêm cho trẻ em ngay sau khi sinh ra và đưa ra các giải pháp khắc phục;....

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình 

Về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế, theo quy định tại Nghị định số 60, đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; theo Nghị định số 96 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: “Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt cho đến khi có quy định mới nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024”. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền về phương pháp định giá và giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi chỉ còn gần 03 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt; khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị đồng thời có kế hoạch triển khai đồng bộ việc thực hiện các Luật được ban hành liên quan đến lĩnh vực y tế. Đối với công tác tiêm chủng vắc-xin, đề nghị thực hiện tuyên truyền đầy đủ, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm chủng.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu ngành y tế cần quyết liệt hơn trong vấn đề chỉ đạo mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, vấn đề chuyển viện, làm sao tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho người dân về thủ tục hành chính trong vấn đề khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Nêu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất cập nêu trên, do đó, nếu không kịp thời có giải pháp cụ thể và hữu hiệu sẽ không giải quyết được dứt điểm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm tìm cách tháo gỡ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch, từ phía ngành y tế, cần có kiểm tra, đánh giá và phải gắn trách nhiệm của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; khắc phục tình trạng nhiều cơ sở, nhiều địa phương thiếu quyết liệt, thiếu quyết tâm,... “Một biện pháp có thể làm ngay là công khai, tường minh địa chỉ địa phương làm tốt, địa phương chưa thực hiện tốt", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu giải pháp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc công khai, tường minh địa chỉ đơn vị, địa phương thực hiện sẽ rất nghiêm minh; tạo chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện. Đối với việc thiếu vật tư, trang thiết bị y tế do không đấu thầu đang gây ra nhiều bất cập, phiền hà cho người bệnh. Vì vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị ngành y tế cần nêu rõ vướng mắc ở đâu, không đấu thầu được là do ngành y tế hay do quy định pháp luật, do bộ, ngành nào?.

Giải trình làm rõ nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện nay, việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng diễn ra trên toàn thế giới, rất nhiều nước chứ không chỉ Việt Nam. Nguyên nhân là do, trong đại dịch COVID-19 các biện pháp về cách ly, giãn cách xã hội nên việc cung cấp các dịch vụ y tế, kể cả việc tiêm chủng cho trẻ em cũng bị gián đoạn. Vì vậy, trong những năm đại dịch COVID-19 và sau đại dịch COVID-19 việc rất nhiều trẻ em không được tiêm chủng vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng thường xuyên ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, thời gian qua, Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện là một cấu phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số; đến sau năm 2020 Chương trình mục tiêu y tế, dân số không còn và theo Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí để mua vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giao về cho địa phương…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Liên quan tới việc thiếu thuốc, thiết bị y tế cũng như đảm bảo thuốc, thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân là do, một số trường hợp người bệnh có tâm lý quen sử dụng thuốc có tên thương mại theo đúng kết quả trúng thầu của năm trước, không muốn sử dụng thuốc có tên thương mại mới theo kết quả trúng thầu của năm sau, mặc dù thuốc này có cùng hoạt chất với thuốc đã trúng thầu trước đó, gây nên tình trạng thiếu thuốc ảo; Các gói thầu có giá trị lớn gồm nhiều mặt hàng và có nhiều nhà thầu tham dự, vì đấu thầu rộng rãi trên mạng, do đó công tác lập hồ sơ mời thầu, đánh giá lựa chọn nhà thầu mất nhiều thời gian và phát sinh nhiều tình huống trong đấu thầu cần được giải quyết;

Đồng thời, nguyên nhân còn do mô hình bệnh tật thay đổi, do phát triển các kỹ thuật mới nên số lượng thuốc, vật tư y tế dự trù mua sắm chưa sát với nhu cầu, xuất hiện một số bệnh hiếm gặp nên bệnh viện không kịp dự trữ mua sắm; Một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch.

Đối với việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ những năm trước Bộ Y tế đã tập trung và khẩn trương để xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó xây dựng giá các dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng,... tuy nhiên, phải chờ Luật Giá được ban hành cũng như nghị định hướng dẫn Luật Giá và các Thông tư của Bộ Tài chính. " Vướng mắc này Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và hiện nay được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản này để có định mức kinh tế - kỹ thuật cũng như giá dịch vụ..", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương lý giải.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo những vấn đề còn tồn tại một cách quyết liệt, sớm khắc phục để báo cáo Quốc hội, cử tri cả nước. Theo đó, cần có các giải pháp đột phá, nhất là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu đổi mới hơn nữa việc trả lời kiến nghị cử tri, kể cả trả lời ban đầu, trả lời sau khi giải quyết. Nội dung kết quả trả lời phải thấu đáo, đúng với tâm tư, nguyện vọng của người dân; không chỉ là viện dẫn quy định của pháp luật mà cần rõ trách nhiệm của bộ, ngành, rõ thời gian khắc phục;… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng trả lời các kiến nghị của cử tri./.

Lê Anh