Kết luận của UBTVQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu

16/10/2024 23:53

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận số 1003/KL-UBTVQH15 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu

Theo đó, ngày 10/10/2024, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và kết luận như sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế. Để bảo đảm chất lượng Dự án Luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện Dự án Luật, trong đó lưu ý các vấn đề sau đây:

1. Thực hiện đúng tinh thần, quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 958/KL-UBTVQH15 ngày 27/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm phải có tổng kết tình hình thực hiện, đánh giá tác động đầy đủ hơn, chứng tỏ được khi áp dụng là hiệu quả thì mới quy định vào luật; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm các nội dung trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; rà soát bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, không để xảy ra tình trạng các quy định sau khi sửa đổi, bổ sung lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát lãng phí tiền, tài sản nhà nước; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

2. Thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật và một số vấn đề cụ thể như về quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP, quy định xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp…

3. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính... Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá tác động đầy đủ hơn, báo cáo thủ tục hành chính, bổ sung các số liệu minh chứng, đánh giá kỹ lưỡng tác động đến ngân sách nhà nước. Rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác, kể cả các Luật đang sửa đổi hoặc sẽ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; lưu ý rà soát với các dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi) và các luật khác có liên quan, nhất là tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy hoạch; rà soát quy định về áp dụng Luật, điều khoản thi hành, bảo đảm khả thi, không vướng mắc khi áp dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

4. Rà soát, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của cơ quan thẩm tra, tham gia thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là các nội dung sau:

- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đề nghị không quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là một loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; tiếp tục làm rõ về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch. Nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đề nghị chỉ quy định trong Luật về mặt nguyên tắc cơ bản theo hướng giao Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Chính phủ quy định về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước đối với hoạt động của Quỹ báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp.

- Về thủ tục đầu tư đặc biệt, đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay và có quy định về giám sát cũng như hậu kiểm phù hợp để đảm bảo các quy định. Về phân cấp thêm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng, đề nghị nghiên cứu giảm quy mô đầu tư dự án cảng đặc biệt thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, đề nghị rà soát chỉ đề xuất sửa đổi các nội dung vướng mắc mang tính cấp bách và đã được tổng kết thực tiễn. Đối với việc mở rộng lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức PPP và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, đề nghị cần cân nhắc thận trọng và bổ sung đánh giá tác động kỹ lưỡng. Đối với loại hợp đồng BT đề nghị không bổ sung là một loại hợp đồng dự án PPP, do chưa có tổng kết, đánh giá đầy đủ và chưa đạt được sự đồng thuận cao. Về đề xuất áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu, đề nghị bổ sung đánh giá tác động đến người sử dụng dịch vụ và có giải pháp phù hợp hơn để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đối với các quy định xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá từng trường hợp cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương xử lý đối với nội dung này theo quy định.

- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đề nghị Chính phủ giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng đấu thầu trước. Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đề nghị làm rõ trường hợp “cần thực hiện gấp” đối với gói thầu thẩm định giá tài sản liên quan đến các vụ án hình sự cần thực hiện gấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra và cân nhắc kỹ vì có thể ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân đã được hiến định, bảo đảm tính khách quan. Về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đề nghị cần cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định bổ sung trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Về quy định mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra theo các nội dung nêu trên để hoàn chỉnh Hồ sơ Dự án Luật, tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình thuyết phục các ý kiến tham gia, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. Ủy ban Kinh tế hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nếu bảo đảm chất lượng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua với thủ tục rút gọn tại một kỳ họp./.

Trọng Quỳnh