Lấy ý kiến doanh nghiệp đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

17/10/2024 13:39

Sáng 17/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Quản lý thuế. Đây là 4 luật nằm Dự thảo Luật sửa đổi 07 Luật được Bộ Tài chính soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

Dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Dự thảo sửa đổi nhiều quy định quan trọng liên quan đến trái phiếu riêng lẻ; trái phiếu phát hành ra công chúng; điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử… Những sửa đổi này dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của VCCI cho biết, thể chế và pháp luật là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ luôn quan tâm, xử lý các vướng mắc, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Nghị quyết  93/NQ-CP năm 2024 đã yêu cầu các Bộ ngành rà soát các vướng mắc tại các văn bản pháp luật để sửa đổi, với mục tiêu tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Sau đó, Chính phủ đã soạn thảo 02 luật sửa đổi nhiều luật. Một luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sửa 04 luật. Luật thứ hai là Bộ Tài chính chủ trì, sửa đổi 07 luật. Dự thảo Luật sửa đổi 07 Luật của Bộ Tài chính dự kiến sẽ có tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, bất động sản, kế toán, kiểm toán, thương mại điện tử… Luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của VCCI 

Thời gian qua, VCCI nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp về một số quy định của Dự thảo mang tính tăng thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp, có thể kế đến như: Bổ sung thêm hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán: Dự thảo đưa ra thêm các điều kiện phát hành, gia tăng các hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán; Bổ sung thêm trách nhiệm cho các tổ chức liên quan đến phát hành chứng khoán như tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán… Nâng mức phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực kiểm toán; Bổ sung thêm trách nhiệm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử liên quan đến hoạt động quản lý thuế.

Việc kê khai thay và nộp thuế thay: nhiều rủi ro cho sàn thương mại điện tử

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung đóng góp vào những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Quản lý thuế.

Đối với Dự thảo Luật Quản lý thuế có điểm mới quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử phải khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Nêu quan điểm về nội dung này, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 2 điều kiện tiên quyết phải được xét đến đầu tiên để đảm bảo tính hợp lý và khả thi của quy định này gồm: Xác định rõ ràng sắc thuế, mức thuế và đối tượng nộp thuế khả thi đối với việc các sàn có thể khấu trừ và nộp hộ; Xây dựng một hệ thống thuế đơn giản, quản lý tập trung, cùng với phần mềm tự động hóa các nghiệp vụ thuế.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật

Nhìn lại hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam, có thể thấy rằng, việc tính toán mức thuế áp dụng và nghiệp vụ kê khai thuế tương đối phức tạp. Thuế thu nhập thường dựa trên lợi nhuận, tức là thu nhập sau khi trừ đi các chi phí hợp lệ. Việc xác định thu nhập chịu thuế phụ thuộc vào việc người bán tự kê khai các khoản chi phí này, điều mà các sàn thương mại điện tử không có khả năng thực hiện thay. Điều này cho thấy sự khó khăn và thiếu thực tế trong việc yêu cầu các sàn đảm nhận vai trò kê khai thay thuế thu nhập cho người bán.

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, việc kê khai thay và nộp thuế thay có thể tạo nhiều rủi ro cho bên thứ ba là sàn thương mại điện tử. Việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ khai và nộp thuế thay cho người bán là nghiệp vụ chuyên sâu về thuế, không nằm trong lĩnh vực chuyên môn của các sàn. Điều này tất yếu dẫn đến sai sót và những sai sót này có thể ảnh hưởng đến tất cả các bên liên quan, từ người bán cho đến cơ quan thuế, và có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử khai và nộp thuế thay có thể tác động tiêu cực đến nhóm kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, quy định này có thể dẫn đến tình huống người bán hàng nhỏ lẻ có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng cũng phải bị trừ thuế trên mỗi giao dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này. Điều này không phù hợp với mục tiêu chính sách của Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu này cho rằng, để có thể đảm bảo tính hợp lý và khả thi của dự thảo thì nhất thiết phải có sự chuẩn bị sẵn sàng trước khi ban hành quy định. Điều này bao gồm việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản cũng như tính khả thi cho việc tuân thủ. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển các công cụ tính toán thuế tự động và dễ dàng, tương tự như các hệ thống tại Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và tránh tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho các bên liên quan.

Kiểm toán viên đăng ký hành nghề Kiểm toán phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán

Đóng góp ý kiến vào Luật Kiểm toán độc lập, bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam nêu quan điểm, dự thảo Luật hiện tại chưa quy định kiểm toán viên đăng ký hành nghề phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, các kiểm toán viên đang đăng ký tham gia tổ chức nghề nghiệp theo tinh thần tự nguyện.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Trong khi đó, theo thông lệ tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, việc kiểm toán viên muốn đăng ký hành nghề phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp là điều kiện bắt buộc. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức nghề nghiệp trong việc kiểm tra chất lượng dịch vụ do hội viên cung cấp, giúp kịp thời xử lý các vi phạm và hỗ trợ hội viên khắc phục các tồn tại và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thực tế thời gian qua cho thấy, chất lượng kiểm toán vẫn cần được tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn. Do đó, để hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp, bà Trần Thị Thúy Ngọc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định “Kiểm toán viên đăng ký hành nghề Kiểm toán phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán”. Quy định này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia và mang lại hiệu quả trong việc phối hợp giữa tổ chức nghề nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán và đảm bảo  sự phát triển bền vững nghề nghiệp kiểm toán.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI  đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Quản lý thuế. Những ý kiến đóng góp đều rất thiết thực nhằm góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật. VCCI sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để tổng hợp, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp tham dự Hội thảo

Ông Cấn Văn Lực -  Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia 

Ông Phạm Đình Thưởng -  Thành viên Hội đồng Tư vấn Cấp cao, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam 

Ông Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI

Ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBlaw

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo./.

Bích Lan - Nghĩa Đức