28 nhóm ý kiến, kiến nghị cử tri Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

19/10/2024 23:02

Cử tri Tp. Hà Nội đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát việc ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

HÀ NỘI: ĐA DẠNG HÌNH THỨC TIẾP XÚC GIỮA ĐBQH VỚI CỬ TRI

Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại Tp. Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 30 quận, huyện, thị xã đến 165 phường, 269 xã và 17 thị trấn, thu hút đông đảo cử tri và Nhân dân Thủ đô tham dự.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 10) tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cử tri đề nghị Quốc hội sớm đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Đoàn đã tổng hợp được 28 ý kiến của cử tri phát biểu tại hội nghị và các ý kiến cử tri gửi bằng văn bản thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.

Trong đó, về lập pháp, cử tri đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng quan tâm chính sách ưu đãi đối với nguời có công với cách mạng, khi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến Trung ương vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT như khám đúng tuyến. Xem xét để các nhóm đối tượng là cựu quân nhân được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh chưa được hưởng chế độ BHYT được hưởng BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tác động tích cực đến công tác tuyển quân của địa phương.

Cử tri đề nghị Quốc hội sớm đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, qua đó phát huy ưu điểm, khắc phục những bất cập để mở rộng mô hình ra các địa phương khác, nhằm giảm đầu mối, biên chế… 

Cử tri đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của Tp. Hà Nội để có thời gian chuẩn bị nhân sự cho công tác Đại hội Đảng cấp cơ sở, đảm bảo theo quy định.

Về giám sát, cử tri đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát các hoạt động của Chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật nhằm bảo vệ, giữ vững và phát huy thành quả phát triển kinh tế gắn liền với ổn định chính trị, xã hội.

Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát việc ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Có giải pháp khắc phục tồn tại trong đấu giá đất

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, ban hành chính sách về miễn, giảm thuế; giãn nợ, giảm lãi suất, không thu lãi hoặc được vay với lãi suất thấp, thủ tục vay vốn thuận lợi đối với người nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cử tri nêu kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Cử tri cho rằng, hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi nâng mức thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế thu nhập cá nhân tối thiểu từ 18 triệu đồng/tháng.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành chức năng nghiên cứu điều chỉnh Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại…; bổ sung quy định về hỗ trợ thiệt hại đối với cây dược liệu, hoa, cây cảnh, diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, sạt lở, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới…; có cơ chế đặc thù về thủ tục hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho nông dân sớm khôi phục sản xuất.

Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể về hoạt động xã hội, từ thiện, tránh tình trạng một số ít cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, thiếu minh bạch và xử lý nghiêm các tình trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, cử tri cho rằng, thời gian gần đây có trường hợp giá trúng đấu giá đất tại một số huyện cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó người đấu giá trúng bỏ cọc, dẫn đến tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở, bất động sản. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu không để xảy ra tình trạng trên.

Đối với các bộ, ngành Trung ương, cử tri tiếp tục phản ánh bất cập trong việc học sinh từ cấp tiểu học đến THPT đang sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau, nhiều trường khác nhau, dẫn đến không sử dụng được nhiều năm, khó khăn trong việc mua lẻ bộ… Đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu khắc phục những bất cập, có giải pháp thống nhất chung 1 bộ sách giáo khoa để thuận tiện cho việc giảng dạy và học, không gây tốn kém cho người dân.

Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch cụ thể khảo sát, duy tu các cây cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân, không để xảy ra sập, gãy như cầu Phong Châu ở Phú Thọ.

Cử tri đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu mở rộng phạm vi chi trả cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như: mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế; cải tiến, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ số trong việc liên thông các tuyến phục vụ công tác chuyển viện, khai thác thông tin y tế liên quan đến người bệnh; thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho nhóm bệnh nhân bị bệnh mạn tính đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày, thay vì 30 ngày theo quy định hiện hành…

(Theo Báo Kinh tế đô thị)