Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 21 tỉnh, thành phố

20/10/2024 16:33

Chiều 20/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 28 (lần 1) thẩm tra các tờ trình và đề án của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 11 tỉnh

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Thị Mai Phương; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Cùng dự phiên họp còn có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025.

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra các Tờ trình, Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Yên Bái, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Yên Bái.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Giảm 06 ĐVHC cấp huyện và 233 ĐVHC cấp xã

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, 21 tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện sắp xếp và thành lập đối với 18/252 ĐVHC cấp huyện và 487/3.916 ĐVHC cấp xã. Trong đó: Có 07 tỉnh, thành phố (gồm: Nghệ An, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu) thực hiện sắp xếp, thành lập đối với cả ĐVHC cấp huyện (18 đơn vị) và ĐVHC cấp xã (287 đơn vị); 14 tỉnh, thành phố còn lại (gồm: Hải Dương, Lạng Sơn, Bình Thuận, Hưng Yên, Bến Tre, Thái Nguyên, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bình Định, Yên Bái, Bắc Ninh, Cà Mau, Long An, Kiên Giang) chỉ thực hiện sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã (200 đơn vị).

Theo đó, 21 tỉnh, thành phố nêu trên đã xây dựng các phương án thực hiện sắp xếp, thành lập 18/252 ĐVHC cấp huyện và 487/3.916 ĐVHC cấp xã để hình thành  mới 12 ĐVHC cấp huyện và 254 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp, giảm 06 ĐVHC cấp huyện và giảm 233 ĐVHC cấp xã.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại phiên họp

Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 12 ĐVHC cấp huyện và 247 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 21 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc).

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục, 21 tỉnh, thành phố đều đề nghị: Giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; Nhập các Trạm y tế của  ĐVHC cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới); đồng thời các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn hoặc được sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp 

Riêng với các địa phương có thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp cấp huyện khác có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ ở các ĐVHC cấp huyện trước sắp xếp.

Sau sắp xếp, tổng số cán bộ, công chức, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư tại 480 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 5.917 người. Số trụ sở dôi dư tại 18 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 63 trụ sở; tại 480 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 387 trụ sở.

Về bố trí, giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp ĐVHC, UBND 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và bảo đảm hoàn thành trong thời hạn 05 năm theo đúng quy định. Đồng thời, có phương án giải quyết số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư bảo đảm hoàn thành trong thời hạn 03 năm theo đúng quy định.

Bổ sung thêm thông tin, lập luận đối với phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã

Cho ý kiến tại Phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của 21 tỉnh, thành phố. Về cơ bản, các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể, qua đó đã đề xuất thực hiện sắp xếp đối với một số lượng lớn các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, kết hợp với việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới các ĐVHC khác trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại 21 tỉnh, thành phố cơ bản phù hợp với các quy hoạch có liên quan. Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp cơ bản đều bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của loại ĐVHC tương ứng, đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp theo quy định tại các Nghị quyết, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng lưu ý, trong số 256 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp của 21 tỉnh, thành phố, có 103 đơn vị của 11 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định; Chính phủ đề nghị được áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, qua rà soát nội dung lý giải lý do ĐVHC hình thành sau sắp xếp không thể nhập thêm với ĐVHC khác liền kề trong một số Đề án chưa thật sự thuyết phục do chưa cung cấp đầy đủ thông tin cụ thể về những khó khăn, vướng mắc nếu sắp xếp thêm với với các ĐVHC khác (như ở tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng…); một số ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn của xã do có dự kiến thành lập ĐVHC đô thị nhưng chưa chỉ rõ căn căn về quy hoạch có liên quan; có rất nhiều ĐVHC hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định trong khi lại có vị trí liền kề với các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2026 – 2030 (như ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An và thành phố Đà Nẵng…) hoặc có trường hợp Chính phủ, chính quyền địa phương đề nghị sang giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục sắp xếp thêm với các ĐVHC liền kề khác (như ở tỉnh Hải Dương)…

Đại biểu Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Để bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023 - 2025 với giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC một cách toàn diện, tổng thể hơn, có tính toán kỹ đến phương án sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm tương đồng về quy mô với các ĐVHC ở các địa phương có điều kiện tương tự để bảo đảm yêu cầu của công tác sắp xếp; tránh gây ảnh hưởng đến việc xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2026 - 2030 do không thể nhập, điều chỉnh với các ĐVHC khác liền kề vì đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn một số nội dung khác: về tính hợp lý của phương án điều chỉnh ĐVHC, cách thức thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sau sắp xếp, tính thống nhất giữa các nội dung trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ…

Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long và đại diện các tỉnh, thành phố đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung được nêu tại phiên họp liên quan tới: phương án sắp xếp ĐVHC; điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, vấn đề hiệu lực thi hành các nghị quyết;..

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Uỷ ban Pháp luật đánh giá cao quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 21 tỉnh, thành phố trong việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ thành phần hồ sơ, tài liệu và nội dung theo quy định.

Ủy ban Pháp luật cũng  cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của 21 tỉnh, thành phố như Chính phủ trình. Tuy nhiên, để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cung cấp thông tin, giải trình cụ thể đối với các nội dung được nêu tại phiên họp thẩm tra. Cụ thể: Đối với các tỉnh, thành phố có số lượng lớn ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số hoặc việc hình thành ĐVHC đô thị chưa bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, hồ sơ theo quy định, đề nghị Chính phủ, các địa phương rà soát, bổ sung thông tin, lập luận thuyết phục;..

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể số lượng các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023- 2025, xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo theo đúng quy định;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra các Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của 21 tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 28 (lần 1):

Quang cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại phiên họp

Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tô Văn Tám - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp./.

Lê Anh - Nghĩa Đức