Thảo luận Tổ 12: Rà soát các quy định trong Luật Dữ liệu đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật

24/10/2024 16:58

Chiều 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu tại Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn), các ý kiến thống nhất với sự cần thiết xây dựng luật, tuy vậy đề nghị tiếp tục rà soát với các luật liên quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Dự án Luật Dữ liệu: Cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu

Bảo đảm quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 12

Cơ bản tán thành với việc xây dựng Luật Dữ liệu, các đại biểu tại Tổ 12 đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Đồng thời, khẳng định đây là một dự án luật khó, tác động toàn bộ đến quá trình chuyển đổi số quốc gia, một trong những động lực mới của tăng trưởng kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ,... để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, nhất là về định nghĩa dữ liệu và phân loại dữ liệu cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, qua nghiên cứu cứu cho thấy, nhiều nội dung trong dự thảo luật này đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử bao gồm cả phần giải thích từ ngữ, ví dụ như: khái niệm về Dự liệu, về Cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên các quy định này không thống nhất với nhau, cần rà soát để quy định chính xác thuật ngữ được sử dụng trong hệ thống pháp luật có liên quan tới dữ liệu; Đồng thời, cần làm rõ nội hàm quy định về dữ liệu ở dự thảo luật này có khác hơn so với Luật Giao dịch điện tử hay không, để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu

Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại điều Điều 29 của dự thảo luật, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước, thì dữ liệu cần được xem là một tài nguyên quan trọng của quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù. Do đó, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp, nhất là phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Với tuy duy đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, qua rà soát các quy định của dự thảo Luật Dữ liệu, các ý kiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu xây dựng luật theo hướng, chỉ quy định mang tính nguyên tắc đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, đối với quy định về phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia (Chương IV), đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định tại Chương IV của dự thảo Luật, theo đó chỉ quy định khái quát mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia...

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ

Góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đa số đại biểu tại Tổ 12 đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật; về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 04 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Hồ sơ dự án Luật sửa đổi đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, có báo cáo tổng kết thi hành Luật, có báo cáo đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, tranh thủ các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, có dự thảo các Nghị định, Thông tư gửi kèm cùng hồ sơ dự án Luật sửa đổi.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, quy định của luật hiện hành quy định về vận chuyển người bệnh đối với một số đối tượng, như vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, nhưng có khó khăn khi chuyển từ tuyến tỉnh về tuyến huyện. Đại biểu đánh giá cao dư thảo luật đã mở rộng thêm đối tượng được hưởng, mở rộng việc luân chuyển giữa các cấp chữa bệnh. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi được hưởng đối với dịch vụ cấp cứu trước viện để người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi này.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng điều trị cho người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế; bổ sung quyền lợi bảo hiểm y tế trong hoạt động khám sàng lọc một số bệnh…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế. Một trong những điểm mới là dự thảo luật đã quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế, nhưng các quy định thông tuyến mới còn chung chung, cần tiếp tục “gia cố” thêm để giải tỏa những vướng mắc, bất cập hiện nay. Ngoài gặp khó trong quy định thông tuyến, cử tri cũng phản ánh các thủ tục chuyển tuyến và thủ tục thay đổi nơi đăng ký bảo hiểm cũng chưa thuận lợi, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Có ý kiến đề bổ sung đối tượng “Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Bởi, hiện nay Luật Bảo hiểm Y tế quy định đối tượng Cựu thanh niên xung phong (TNXP) trước năm 1975 và cựu TNXP sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và Lào được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đối với cựu TNXP sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn chưa được ngân sách nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị Nhà nước quan tâm đưa nhóm đối tượng này vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Một số hình ảnh tại Tổ 12:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng điều hành thảo luận Tổ

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu

Đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Lan Hương - Phạm Thắng