Thảo luận tổ 18: Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước

26/10/2024 10:03

Sáng ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.

Thảo luận Tổ 18: Ủng hộ việc xem xét, thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế theo quy trình 1 Kỳ họp

Kinh tế - xã hội trong nước có nhiều điểm sáng

Tổ 18 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam.

Theo Báo cáo của Chính phủ, nhìn chung, tình hình KTXH 9 tháng đầu năm nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm.

Toàn cảnh Phiên họp

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu trong Tổ bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nội dung này; cho rằng mặc dù năm 2024, là năm thứ 5 liên tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làm cho tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, không thuận lợi, nhưng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ, Thủ ướng chính phủ; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân cùng với cộng đồng doanh nghiệp, KTXH nước ta đã có nhiều điểm sáng, với những tín hiệu rất tích cực.

Bày tỏ ấn tượng với những thành tựu về KTXH của nước ta trong những tháng đầu năm với mức tăng trưởng 6,82%; ước cả năm 2024 đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, với mức tăng trưởng này, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

“Dù khó khăn tứ bề nhưng chúng ta đã xây dựng hoàn thành thêm 109km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km và đang quyết liệt triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” trong năm 2025. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 1%, chỉ còn 1,93%. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 được Liên Hợp quốc đánh giá xếp hạng tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia. Trong công tác đối ngoại, Việt Nam đã tích cực nâng cấp quan hệ với hầu hết các nước lớn…”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu rõ.

Cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Quan tâm đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết, kinh doanh qua mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử ở nước ta đang tăng rất nhanh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thương mại điện tử ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới…. “Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hoá kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử là hàng hoá gì? Nguồn gốc xuất xứ ở đâu? Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số 28 tỷ USD đó? Hay chúng ta phải chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước láng giềng, do chúng ta mua hàng hoá với giá cực rẻ của họ để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong nước. Đây là vấn đề mà tôi cùng nhiều đại biểu Quốc hội ngồi đây đang rất lo lắng…”, đại biểu Trần Quốc Tuấn trăn trở.

Với xu hướng này, theo đại biểu sẽ có nhiều tiện lợi với người dân, bởi họ muốn mua món đồ gì cũng có, chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, món hàng sẽ được giao hàng nhanh chóng, với phương thức thanh toán dễ dàng. “Tuy nhiên, tình trạng này đang giết chết dần, chết mòn các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước … Lý do là vì hàng hoá Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã với hàng hoá nước láng giềng ngay trong thời điểm này. Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước… nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu nêu quan điểm.

Các đại biểu tại Phiên họp

Bên cạnh đó, theo số liệu báo cáo của Chính phủ, 9 tháng năm 2024 có 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so cùng kỳ, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng 21,5% so cùng kỳ. Nếu khấu trừ đi thì trong 9 tháng qua, bình quân mỗi tháng trên cả nước chỉ có khoảng 2.130 doanh nghiệp thành lập mới. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, số liệu này rất thấp, cho thấy các doanh nghiệp còn rất khó khăn để tồn tại và gia nhập thị trường. Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, dù số lượng doanh nghiệp của chúng ta tăng đều suốt những năm qua, nhưng nếu đánh giá về mục tiêu thì e rằng khó có thể đạt được việc phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ. “Mặt khác, quy mô doanh nghiệp nước ta cũng rất nhỏ, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy, số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này. Số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735.000 doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%”, đại biểu lo lắng.

Đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Theo đại biểu, hiện các doanh nghiệp đang khó khăn nhất về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao…

Từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, những khó khăn về tiếp cận vốn tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục phải được quan tâm hơn, đặc biệt là về lãi suất. Nhấn mạnh với mức lãi suất như hiện nay vẫn còn cao, đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Quan tâm bình ổn thị trường vàng, bất động sản

Đại biểu Lê Thị Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Quan tâm đến việc thị trường vàng, thị trường bất động sản thời gian qua đang diễn biến phức tạp, khiến người dân tiếp cận khó khăn, đại biểu Lê Thị Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh hà Nam đề nghị Chính phủ cần quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước và có các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bất động sản; đẩy nhanh việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để hạn chế tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; chú trọng hơn đến công tác phòng ngừa tham nhũng. Đặc biệt cần xem xét cấm việc sử dụng thuốc lá điện tử để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp ý kiến cho các nội dung liên quan đến tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)... Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục tại thảo Luật tại Tổ về các nội dung này và dự án Luật Điện lực (sửa đổi)./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp: 

Toàn cảnh Phiên họp

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Cao Thị Xuân - ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Thu Phương – Phạm Thắng