Thảo luận tại Tổ 3: Nhận diện rõ nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phát triển

26/10/2024 11:28

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 3.

Thảo luận tại Tổ 3: Rà soát, bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHYT để mở rộng diện bao phủ BHYT

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Ngãi. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Nhận diện rõ nguyên nhân để có giải pháp cụ thể

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Các ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã làm rõ được nhiều kết quả đạt được về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 3

GDP 9 tháng năm nay ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2024, đồng thời cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI 9 tháng đầu năm này  là 3,88%, ước cả năm 4,5% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra - đây là kết quả rất tích cực, đặc biệt là từ tháng 7/2024 thực hiện tăng lương cho người lao động, mức tăng là 30%. Đại biểu nhấn mạnh, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát, tăng lương nhưng không tăng giá.

Bên cạnh đó, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt kế hoạch. Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển mỗi quốc gia. Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao trình độ người lao động, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo. Đây chính là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, thể hiện chuyển hướng từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, chuyển từ sản xuất thâm dụng vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, năng lượng sang nền kinh tếít thâm dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động và tài nguyên đất đai, khoáng sản.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, các đại biểu cũng nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức, tuy nhiên các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong Báo cáo còn nêu chung chung, chưa cụ thể. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%); vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương  và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.

Các ý kiến nêu rõ, 9 tháng đầu năm nay có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường là 89,7%, cao nhất kể từ 2019 đến nay. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất dù đã giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn.

Ngoài ra, cơn bão số 3 Yagi đã có những ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quyết liệt khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy kinh tế phát triển

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Liên quan đến điểm nghẽn giải ngân, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần rà soát hoàn thiện thể chế, theo đó cần phân cấp, phân quyền cho phê quyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, giao quyền chủ động cho tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024, như: hướng dẫn về xây dựng, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 tính giá đất áp dụng cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê đất đối với dự án có hoạt động lấn biển…

Nhìn chung, các ý kiến cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.

Quan tâm đến điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, Chính phủ cần dành nguồn lực để thực hiện và khắc phục tình trạng này, trong đó cần quan tâm chăm lo cho đội ngũ cán bộ,  công chức - những người trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng thể chế.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đồng thời, liên quan đến Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” trong năm 2025, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị nên có phần đánh giá cụ thể về các chế độ, chính sách cũng như việc xây dựng chính sách đối với nhân lực ở khu vực công để tìm ra được thực trạng và tồn tại, hạn chế, góp phần hoàn thiện chế độ chính sách và khuôn khổ pháp lý để xây dựng nguồn nhân lực khu vực công được tốt hơn. Cùng với đó, cần tíếp tục nghiên cứu trả lương theo vị trí, việc làm ở khu vực công tương xứng với khu vực tư để có thể thu hút người có tài năng vào làm trong khu vực công. “Với cách thức như vậy, chúng ta mới có đủ năng lực để có nền tảng phát triển kinh tế - xã hội được tốt hơn, đặc biệt là giải quyết được điểm nghẽn về mặt thể chế”.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các Chương trình mục tiêu quốc gia; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 3

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên thảo luận ở Tổ 3

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu dự Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Phạm Phú Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý tham gia góp ý tại Phiên thảo luận ở Tổ 3./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức