Thảo luận Tổ 13: Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

26/10/2024 18:00

Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… và dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phải tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Toàn cảnh phiên họp Tổ 13.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm – Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung phiên thảo luận.

Xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT

Tham gia ý kiến về báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 và dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) bày tỏ tán thành ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc cần bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp, mà trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập. Trong đó bao gồm nội dung có liên quan đến việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm mức độ tin cậy và uy tín cho các nhà đầu tư, cũng như các ngân hàng trong thời gian tới.

Cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung về việc đẩy mạnh công tác xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cũng như một số địa phương quản lý, đặc biệt là các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc, bao gồm có tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nam...

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, các dự án đầu tư PPP nói chung, sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, ví dụ như: góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nói riêng, cả nước nói chung, giảm thiểu tai nạn giao thông, lưu thông hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, luôn phát sinh những hạn chế, bất cập, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, bao gồm những nguyên nhân do một số bất cập từ cơ chế, chính sách. Hơn nữa, có những dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng sau một thời gian thực hiện, phương án tài chính bị thay đổi do những hạn chế, bất cập về phương án thu phí, về sụt giảm doanh thu, như: phát sinh tình huống bị phân chia lưu lượng, phát sinh các chính sách nhằm kiểm soát giá, giảm mức phí, các quy hoạch bị điều chỉnh hoặc lưu lượng xe không đạt như dự báo...

Do vậy, theo đại biểu Lưu Bá Mạc, rất cần thiết bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, với nội dung cần phải đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đặc biệt là một số dự án BOT đã triển khai và đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu.

Trong đó cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan như Điều 69 Luật PPP hiện hành. Đồng thời có giải pháp cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70%, trong trường hợp qua các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn như đã áp dụng thí điểm đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về quyền sở hữu các-bon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng các-bon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ các-bon rừng. Trên cơ sở đó, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…

Quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Tham gia ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Trong đó, tập trung vào 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, phiên họp để xem xét thảo luận kỹ về các đề nghị xây dựng, hồ sơ dự án luật, nghị quyết và có kết luận cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh, cấp bách từ thực tiễn.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp Tổ 13. 

Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để pháp luật sớm đi vào cuộc sống. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, của Quốc hội về lĩnh vực dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội cũng đã được Chính phủ triển khai tương đối kịp thời.

Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, theo thống kê đến thời điểm hiện tại đã ban hành được 111/129 văn bản quy định chi tiết, nhưng có đến 51/129 văn bản ban hành chậm (chiếm 39,5 %). Đến nay, vẫn còn 18/129 văn bản nợ, chưa ban hành, tăng 04 văn bản so với kỳ báo cáo năm 2023. Đại biểu Lưu Văn Đức cho rằng đây là vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài và chưa được khắc phục, làm ảnh hưởng đến việc thi hành chính sách, gây ra các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm  của tình trạng ban hành chậm, nợ, chưa ban hành (nếu có) và đánh giá mức độ hoàn hành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan.

Các ĐBQH tỉnh Bắc Ninh dự phiên họp Tổ.

Đồng thời đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế là người dân tộc thiểu số.

“Cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân để trang bị cho người dân kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong đó, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người nghèo đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tránh tình trạng chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến ở các vùng thị xã, thị trấn mà thiếu đi quan tâm nhiều đến các vùng nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế”, đại biểu Lưu Văn Đức kiến nghị.

Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 13:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm – Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp Tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên họp.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm – Tổ trưởng Tổ 3 kết luận nội dung phiên thảo luận.

Trọng Quỳnh