Thảo luận Tổ 18: Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

29/10/2024 16:03

Chiều ngày 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Thảo luận Tổ 18: Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 18 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có bố cục gồm 07 Chương, 109 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. 

Nội dung sửa đổi cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu trong Tổ cho rằng, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc cấp bách cần phải xử lý, tháo gỡ; một số quy định trong Luật chưa đáp ứng, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Theo đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, thời gian qua Luật Đầu tư công 2019 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để; một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và kết quả giải ngân trong kế hoạch đầu tư công hằn năm; một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đáng chú ý, đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn chưa bảo đảm yêu cầu, việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án còn mang tính hình thức; việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm còn chậm và thực hiện nhiều lần; việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công nói chung… Cùng với đó, đã phát sinh các yêu cầu mới về đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý thực hiện dự án đầu tư công nhằm tối ưu hóa, tận dụng tối đa năng lực quản lý, nguồn lực của địa phương và các thành phần kinh tế khác, tuy nhiên do liên quan đến nhiều luật khác nhau, nên chưa được sửa đổi để thể chế hóa chung mà chủ yếu đang được quy định tại các Nghị quyết thí điểm đặc thù của Quốc hội cho một số dự án, địa phương cụ thể.

Từ những bất cập này, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, việc nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh là rất cần thiết. 

Cũng nhất trí với quan điểm trên, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng, chuẩn bị dự án Luật; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã cơ bản đã khắc phục được các bất cập, các điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương; cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện các dự án đầu tư công. “Tôi cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật và các vấn đề đã được nêu trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách. Và tin tưởng rằng khi các quy định mới của Luật này đi vào thực tiễn sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như quy trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công”, đại biểu nêu rõ.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, quy định tổng hợp chung các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Bên cạnh đó, bổ sung thêm trường hợp có thay đổi về “phạm vi, quy mô đầu tư” thì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Điều 38 của dự thảo Luật.

Về điều kiện bố trí vốn hàng năm, theo như quy định của dự thảo Luật, đại biểu cho biết, sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư mà chưa được bố trí vốn hàng năm thì không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư như: Việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Để rút ngắn về thời gian, thủ tục thực hiện các công việc nêu trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm vào khoản 2 Điều 57, cụ thể: “Chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền (quyết định chủ trương đầu tư), quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Phát biểu góp ý cho dự án Luật này, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, về thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án, Điều 39 của dự thảo Luật đang quy định: “Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương quyết định đầu tư chương trình, dự án chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án được phê duyệt”. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định đối với các đơn vị khi người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, chuyển đổi công tác hoặc trường hợp bất khả kháng, thì giao cho cấp Phó của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương quyết định đầu tư chương trình, dự án chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án được phê duyệt, tránh kéo dài thời gian giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, tại chương VI về nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công cũng nên bổ sung các chế tài phù hợp về các trường hợp chậm trễ giải ngân vốn, không đảm bảo quy trình thủ tục trong hoạt động đầu tư công. “Dự thảo luật có quy định cụ thể trong các điều luật của chương VI thì đến Điều 107 về xử lý vi phạm mới có cơ sở xử lý khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện không đảm bảo quy trình thủ tục và làm chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân vốn thuộc về lỗi chủ quan”, đại biểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Chính phủ cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với việc đầu tư. Bởi vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước được xem là tự chủ của doanh nghiệp, nên cần có quy trình kiểm tra, kiểm soát hiệu quả.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung của các Điều 72, 73 để đảm bảo phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, quy định ngay việc Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại Kỳ họp gần nhất sau khi đã quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn để bảo đảm chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Các đại biểu tại Phiên họp

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Phạm Thắng