Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Xã hội

31/10/2024 18:50

Chiều 31/10, ngay sau khi kết thúc phiên họp Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 16 thẩm tra Tờ trình quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và phát biểu tại phiên họp.

Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 15 thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga; Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sáng kiến và quyết tâm của Bộ Công an khi đã báo cáo với Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền để báo cáo với Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp, bổ sung thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu được thông qua, đây sẽ là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 5, bên cạnh các chương trình về nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển văn hóa, phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Qua nghiên cứu tài liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng hồ sơ, các mục tiêu cùng các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực này đã được Bộ Công an chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu với sự chủ động phối hợp tích cực từ sớm, từ xa của Ủy ban Xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng với tầm vóc là một Chương trình mục tiêu quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chương trình sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình phòng, chống ma túy hiện nay chưa hoàn thành; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống ma túy.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Xã hội, các cơ quan Quốc hội quan tâm cho ý kiến cụ thể về 3 nội dung Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét, đó là: Thời gian thời gian thực hiện Chương trình; Tên gọi Chương trình; Xem xét, phê duyệt Chương trình tại Kỳ họp thứ 8 để kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung này.

Trình bày Tờ trình về Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ, ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của toàn nhân loại. Ma túy gây tác hại trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sức khỏe…; đồng thời là một trong những nguyên nhân làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh con người, an ninh xã hội, sự ổn định, phát triển và trường tồn của đất nước, dân tộc.

Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy vào cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi, gia tăng sử dụng công nghệ cao, triệt để lợi dụng thành tựu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Internet, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, manh động, chống trả quyết liệt, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.

Hoạt động sử dụng trái phép ma túy, ma túy “núp bóng”, tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và tệ nạn ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự. Hoạt động trồng trái phép cây có chứa chất ma túy chưa được xóa bỏ bền vững, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy chiếm tỷ lệ rất cao với 8.865/10.598 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (chiếm 83,7%).

Chương trình nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan

Ủy ban Xã hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc xây dựng, thẩm định chủ trương đầu tư Chương trình đã đã được Chính phủ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan. Bộ Công an chuẩn bị báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình nghiêm túc; quá trình xây dựng Chương trình đã khảo sát thực tế, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tiếp thu giải trình các ý kiến tham gia; Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình theo quy định.

Về mục tiêu của Chương trình và sự phù hợp về tiêu chí xác định Chương trình, Thường trực Uỷ ban nhận thấy, mục tiêu, các chỉ tiêu của Chương trình xây dựng trên cơ sở chủ trương Chỉ thị, nghị quyết; Chiến lược phòng chống ma tuý và tình hình thực tiễn tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới và trong nước.

Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình; cơ cấu vốn các dự án thành phần; cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, có tính chất phức tạp về ma tuý; bố trí nguồn lực cho Chương trình để bảo đảm chi phí vận hành, bảo trì bảo dưỡng... sau đầu tư các dự án.

Cùng với đó, có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn về căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương, khả năng xác định vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; làm rõ sự phù hợp giữa việc bố trí vốn của Chương trình với các Tờ trình của Chính phủ về dự toán ngân sách, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tích cực triển khai công việc trong quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm tại phiên họp sẽ được tiếp thu đầy đủ. Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các tài liệu liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày trong tuần này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung phát biểu

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận phiên họp./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức