Nghiên cứu, chỉnh sửa rõ hơn quy trình điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn

01/11/2024 09:57

Đóng góp ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nằm trong 1 luật sửa 4 luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 8, các ĐBQH tại Tổ 5 cho rằng, cần nghiên cứu, chỉnh sửa rõ hơn quy trình điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn…

Dừng phiên đấu thầu khi phát hiện dấu hiệu bất minh

Thảo luận Tổ 5: Đảm bảo ngân sách bền vững từ thu thuế và các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện triển khai hoạt động quy hoạch thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai Luật Quy hoạch đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu tháo gỡ. Việc sửa đổi Luật này cũng nằm trong 1 luật sửa 4 luật gồm sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 8 với mục đích khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh…

Điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn nên được nghiên cứu theo hướng 5 năm/lần

Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất với giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn, về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ áp dụng đối với trường hợp điều chỉnh theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách.

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị tiếp tục làm rõ một số nội dung để hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Hiện nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó có Điều 15 dự thảo Luật quy định về  “Điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản”. Nội dung này liên quan đến quy trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phương án quản lý và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Do đặc thù của lĩnh vực khoáng sản, cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ. Theo đó, cần xem xét, quy định cho phép điều chỉnh cục bộ đối với các nội dung của quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (như thay đổi, chỉnh lý tên khu vực khoáng sản, tên loại khoáng sản, tài nguyên, trữ lượng, tọa độ điểm khép góc, công suất sau khi thăm dò nâng cấp tài nguyên, trữ lượng...). Do vậy, để đảm bảo tính khả thi và thống nhất giữa các luật có liên quan, cần rà soát và sửa đổi bổ sung một số điều, khoản trong Luật Quy hoạch.

Ngoài ra, theo đại biểu Vương Quốc Thắng, trong nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Quy hoạch, đã bổ sung Điều 54a đề cập đến quy trình điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, chỉnh sửa rõ hơn theo hướng: Việc điều chỉnh thông thường 5 năm/lần thì thực hiện như Luật Quy hoạch; Việc điều chỉnh theo trình tự rút gọn được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định bởi Luật Quy hoạch nhưng riêng đối với nội dung điều chỉnh quy hoạch thì cần căn cứ theo pháp luật chuyên ngành. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung các nội dung này tại Điều 54a dự án Luật.

Lồng ghép các nguồn vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước

Cho ý kiến về khoản 2 sửa đổi, bổ sung Điều 9 về chi phí cho hoạt động quy hoạch của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, tại mục 2 dự thảo Luật quy định: "Chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định; đánh giá; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước".

Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Tuy nhiên, cho rằng quy định trên chưa bao quát hết các nguồn vốn hợp pháp khác nên đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung cụm từ “và các nguồn vốn hợp pháp khác” vào dự án Luật, tức là cả ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Lý do là việc cho phép lồng ghép các nguồn vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong trường hợp huy động được các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với khoản 15, bổ sung Điều 54a về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở thực tiễn và tiêu chí để áp dụng.

Nghiên cứu chi phí thẩm định, điều chỉnh quy hoạch đối với đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Về việc sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, theo quy định tại điểm b khoản 1, Điều 1 Luật Quy hoạch sửa đổi thì quy hoạch đô thị và nông thôn không thuộc quy hoạch quốc gia mà thuộc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bỏ khoản 5, Điều 5 Luật Quy hoạch để đảm bảo thống nhất giữ Điều 5 và Điều 6 của Luật Quy hoạch.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 9, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị bổ sung cụm từ “thẩm định” vào quy định, cụ thể: Chi phí lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn vốn đầu tư công… Tại khoản 1 và khoản 2 nên thống nhất đối với các khoản chi phí mặc dù cùng là quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chỉ khác là theo trình tự, thủ tục 1 kỳ họp hoặc 2 kỳ họp.

Mặt khác, trong Điều 9 của dự án Luật hiện không đề cập đến chi phí lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch đối với quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật xem xét nghiên cứu về nội dung này.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Ngoài ra, tại điểm a khoản 2, Điều 15 nên bổ sung cụm từ “đối với” vào trước cụm từ “lập quy hoạch tổng thể Quốc gia”, cụ thể: Chính phủ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ đối với lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Về sửa đổi bổ sung một số khoản của Điều 16, tại điểm b, khoản 1 cần quy định lại cho phù hợp, vì không có cơ quan lập quy hoạch mà chỉ có cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, nên bổ sung cụm từ “tổ chức” vào trước cụm từ “lập quy hoạch” và trước cụm từ “lựa chọn”, cụ thể: Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, tổ chức lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch… Còn tại điểm c, khoản 1 nên bổ sung cụm từ: “có trách nhiệm” vào trước cụm từ “tham gia”, cụ thể: Các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có trách nhiệm tham gia ý kiến…

Về việc sửa đổi bổ sung mục 11 tại phụ lục II về danh mục các quy hoạch có tính lỹ thuật, chuyên ngành, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị sửa cụm từ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thành quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 06/11 tới. Với những ý kiến đóng góp, đề xuất đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các ĐBQH kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả của 1 luật luật sửa 4 luật nếu được Quốc hội thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 8 này./.

Bích Lan

Other news