Nâng cao năng lực cán bộ văn hóa từ trung ương đến địa phương

06/11/2024 11:12

Để thực thi tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 -2035, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tập trung nâng cao năng lực cán bộ văn hóa ở các cấp, từ trung ương đến địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Phân cấp tối đa cho địa phương thực hiện

Năng lực đội ngũ cán bộ quyết định thành công của Chương trình

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước thông qua việc xây dựng và bảo vệ giá trị văn hóa Việt Nam. Theo đó, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035, với 10 nội dung thành phần. Các ý kiến đại biểu tại hội trường đều cho rằng, việc đầu tư vào các dự án bảo tồn di sản văn hóa, bao gồm cả vật thể và phi vật thể, là rất quan trọng; cần ưu tiên các dự án thực sự cấp bách và có khả năng tác động lớn đến phát triển văn hóa…

Tuy nhiên, để thực thi tốt Chương trình, các ý kiến đại biểu đặc biệt lưu ý, cần phải tập trung nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ ở các cấp, từ trung ương đến địa phương. Bởi hiện nay, nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số, còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đều chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Các đại biểu tại Phiên họp

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa đến 20% nhân lực văn hóa tại các khu vực dân tộc thiểu số có trình độ đại học hoặc cao hơn, khiến cho khả năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở giáo dục đào tạo về văn hóa ít liên kết với cộng đồng dân tộc thiểu số, dẫn đến việc chương trình đào tạo còn xa rời thực tế, thiếu tính ứng dụng. Sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành chưa được quan tâm đúng mức, gây ra lỗ hổng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có khả năng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa.

Cùng với đó, nhiều khu vực dân tộc thiểu số không có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức đào tạo và phát triển nhân lực chuyên môn cho công tác văn hóa. Kinh phí dành cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa tại các vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách, chỉ từ 2-5%, gây hạn chế trong việc thu hút nhân tài và tổ chức các chương trình đào tạo dài hạn. Nhiều chương trình đào tạo văn hóa còn áp dụng chung chung, chưa thực sự phù hợp với từng nét đặc trưng văn hóa khác nhau.

Lấy ví dụ, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, những khóa học về bảo tồn di sản cho cộng đồng Khmer ở miền Tây Nam Bộ thường thiếu nội dung về nghệ thuật múa, âm nhạc và phong tục tập quán đặc thù của đồng bào Khmer vùng này. Điều này làm giảm hiệu quả của các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và thiếu hụt nhân sự có kiến thức chuyên sâu về văn hóa dân tộc.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Trong một số trường hợp, những người được đào tạo về văn hóa dân tộc thiểu số lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp do không có nhiều tổ chức, cơ quan văn hóa hoạt động thường xuyên tại địa phương. Điều này khiến họ không phát huy được kiến thức chuyên môn, giảm động lực đóng góp cho văn hóa cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 phụ thuộc rất nhiểu vào năng lực của cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, cơ sở. Đại biểu cũng cho rằng, hiện tại năng lực đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của một bộ phận đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, khả năng thích ứng với những thay đổi của công nghệ thông tin và sự giao thoa, du nhập văn hóa còn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 có rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có kiến thức, kỹ năng và chuyên nghiệp. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấ mạnh, việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực đáp ứng được nhiệm vụ thực hiện Chương trình là rất quan trọng, cấp bách, quyết định sự thành công của Chương trình.

Cần xây dựng chính sách thu hút nhân lực trình độ cao

Đề xuất giải pháp hoàn thiện nguồn nhân lực văn hóa khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích nhân lực văn hóa làm việc tại vùng dân tộc thiểu số thông qua các chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này không chỉ thu hút được nhân lực có trình độ cao mà còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số. Theo đó, các chương trình đào tạo cần tích hợp sâu hơn các yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số và được thiết kế để đáp ứng từng nét đặc trưng của mỗi vùng miền. “Ví dụ, đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, chương trình đào tạo cần có các nội dung về nghệ thuật Dù Kê, các lễ hội truyền thống như Ok Om Bok và kỹ năng tổ chức nghi lễ văn hóa đặc thù. Đảm bảo chương trình học luôn đi kèm với thực hành và trải nghiệm thực tế sẽ giúp cho đội ngũ nhân lực có nền tảng kiến thức sâu sắc hơn”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm.

Tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức cống hiến cho lĩnh vực văn hóa

Cũng quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý bổ sung vào khoản 8.3 về phát triển nguồn nhân lực văn hóa với nội dung tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia cống hiến trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, tại khoản 8.3 chỉ có 2 điểm là 8.3.1 và 8.3.2 với nội dung tổ chức các hội thi để phát triển tài năng của những người trẻ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

“Cần tạo không gian để các chuyên gia, trí thức có năng lực về lĩnh vực văn hóa được phát huy. Nhiều người nguyên là Bộ trưởng, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội… là các nhà giáo dục, các nhà sáng tác với kinh nghiệm thực tiễn đã và sẽ phản ánh về thực trạng văn hóa, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách về văn hóa. Họ sẽ là những diễn giả tại các hội nghị, hội thảo về văn hóa, không chỉ là khách mời dự thính”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm.

Từ những phân tích của mình, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điểm 8.3.3 với nội dung tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia, cống hiến trong lĩnh vực văn hóa vào phần phát triển nguồn nhân lực văn hóa trong Chương trình./.

Thu Phương