Thông tuyến khám chữa bệnh đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT
Nâng mức hỗ trợ cho một số đối tượng yếu thế, khó khăn
Thảo luận về dự án Luật này, các đại biểu cho rằng, cần tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, người làm nông, lâm, ngư nghiệp, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người có công...
Nêu ý kiến, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật cần quy định đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng BHYT, bởi theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được nhà nước quan tâm đến các chính sách xã hội. “Hiện nay, toàn quốc có khoảng 17 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 2,4 triệu người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi chưa tham gia BHYT”, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Theo đại biểu, đối với nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi mà không hưởng trợ cấp hoặc lương hưu hàng tháng là đối tượng yếu thế xã hội, cần được quan tâm trong lưới an sinh. Vì vậy, đại biểu đề xuất đối tượng này được ngân sách nhà nước đóng BHYT để được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật.
Bên cạnh đối tượng người cao tuổi, đại biểu cũng cho biết, hàng năm có khoảng 150 nghìn người vẫn có thể có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thuộc hộ cận nghèo, cần có lộ trình hỗ trợ để ổn định cuộc sống và đặc biệt cần hỗ trợ chính sách BHYT để đảm bảo khi gặp ốm đau, rủi ro, tránh rơi vào nghèo. Với đối tượng này, đại biểu đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT trong ít nhất khoản 3 năm.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình …từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn.
Người có công cần được quan tâm, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe
Đại biểu Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần quan tâm, bảo đảm chế độ, chính sách BHYT cho đối tượng là dân quân thường trực tại các địa bàn cơ sở. Bởi đây là lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, chống dịch bệnh, chống bão, lũ lụt ở các địa phương… Lực lượng này hoạt động 24/24 chứ không thoát ly hoàn toàn ở địa phương để hoạt động tập trung.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
“Tóm lại, giống như hạ sĩ quan, binh sĩ làm nhiệm vụ. Hiện nay, khoản 4 Điều 12 của Nghị định 72 của Chính phủ đang quy định: Mức hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội và BHYT như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và BHYT. Nhưng thực tế, đối tượng dân quân thường trực hiện nay lại chưa được hưởng, thân nhân của dân quân thường trực cũng chưa được hưởng BHYT”, đại biểu nêu thực tế.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung đối tượng này vào diện hỗ trợ để đảm bảo chế độ, chính sách tương đồng với những chính sách ưu đãi cho hạ sĩ quan, binh sĩ của lực lượng quân đội và công an.
Đề xuất bổ sung thêm đối tượng vào diện hỗ trợ đóng BHYT, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần xem xét bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng là: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT vào Khoản 3 Điều 12 Luật BHYT.
Đặc biệt, theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT cho những người được phong tặng các danh hiệu như: Nghệ nhân nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ ưu tú, bởi đây là những cá nhân có đóng góp lớn lao trong việc giữ gìn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống và nghệ thuật của dân tộc.
Các đại biểu tại Phiên họp
Theo đại biểu, những người này không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lại cho thế hệ trẻ, góp phần duy trì và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam. Do đó, việc Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT là một hình thức công nhận và tôn vinh những đóng góp này. Đồng thời, đây là trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe cho những người có công lao lớn đối với văn hóa dân tộc.
Các đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ BHYT không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe mà còn là động lực để nghệ nhân và nghệ sỹ tiếp tục hoạt động sáng tạo, trao truyền di sản cho thế hệ sau mà không lo ngại về vấn đề tài chính và sức khỏe. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng này cũng phù hợp với mục tiêu của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống cho những người có công lao lớn đối với xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đúng mực từ phía Nhà nước đối với những cá nhân có đóng góp đặc biệt cho xã hội.
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Phản ánh nguyện vọng của cử tri, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua những lần làm việc ở địa phương, nhiều cử tri đề nghị, ngân sách nhà nước cũng cần có một phần hỗ trợ cho những người làm chi hội trưởng của các đoàn thể ở thôn, xóm.
“Tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị từ thôn, từ xóm. Đó là việc đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ cho những người làm chi hội trưởng các đoàn thể ở xóm như: Chi hội nông dân, Chi hội phụ nữ hay Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… Theo tôi, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến những đối tượng này”, đại biểu Mai Văn Hải nêu ý kiến./.