Dự án Luật Dữ liệu: Cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo với các luật liên quan

07/11/2024 09:59

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày mai (8/11), Quốc hội sẽ họp Phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về dự án Luật Dữ liệu. Góp ý tại tổ nhằm hoàn thiện dự án Luật này, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Luật này chưa bao trùm và toàn diện. Do đó, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này, tránh chồng chéo với các luật liên quan.

Dự án Luật Dữ liệu: Cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu

Ngày mai (8/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu

Dự án Luật Dữ liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 7 chương và 67 điều. Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số; tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật, các đại biểu cơ bản thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Các ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Luật này chưa bao trùm, toàn diện và còn quy định chung chung. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan nhằm phục vụ phát triển kinh tế số.

Cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh cho phù hợp

Nhất trí cao với việc Quốc hội ban hành Luật Dữ liệu trong thời gian sớm nhất, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu, tức là tập hợp các thông tin trên cơ sở nền tảng đó để máy tính xử lý. “Vấn đề là làm sao để thu thập được thông tin dữ liệu một cách đầy đủ, toàn diện, an toàn, quản lý, bảo vệ, trên cơ sở đó tiến hành phân loại, xử lý được một cách hiệu quả. Đó là cái gốc, vai trò, tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu trong việc chúng ta thực hiện số hóa các lĩnh vực chuyển đổi số hiện nay và trong tương lai gần. Điều này rất quan trọng và cần thiết”, đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên bàn về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn vấn đề cơ sở dữ liệu là vấn đề mới được Chính phủ đặt ra nên các vấn đề thực tiễn có thể chưa được xem xét một cách đầy đủ, thấu đáo, đồng thời băn khoăn liệu đã đủ các căn cứ, đủ các thông tin, tài liệu để xây dựng, ban hành Luật một cách tổng thể chưa?

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

“Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, tôi thấy vấn đề đánh giá tác động, học tập kinh nghiệm của nước ngoài và xác định phạm vi của dự án Luật báo cáo còn sơ lược, ngắn gọn, chưa thấy được kinh nghiệm thực tế nước ngoài, nội dung điều chỉnh vấn đề này ở nước ngoài ra sao, xu hướng như thế nào, cái nào phù hợp với chúng ta… đều chưa được đề cập”, đại biểu nêu rõ,

Đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa thực sự rõ ràng nên nội dung của luật chưa bao trùm, chưa toàn diện. Phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định về phát triển, quản lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu áp dụng đối với tất cả các tổ chức và cá nhân, từ các cơ quan Đảng, cơ quan trong hệ thống chính trị, đến các tổ chức trong xã hội, cá nhân, các doanh nghiệp trong nền kinh tế, kể cả đối với những doanh nghiệp ở nước ngoài nhưng có thu thập, xử lý liên quan đến các dữ liệu trên của Việt Nam.

Về đánh giá tác động đối với các doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn các quy định ở đây đã bao trùm hay chưa, việc tuân thủ chấp hành của các doanh nghiệp có khả thi hay không, có tạo ra gánh nặng chi phí quá lớn cho các doanh nghiệp tuân thủ hay không? Nếu như họ không tuân thủ thì chúng ta có đủ chế tài xử lý hay chưa thì dự thảo Luật chưa thấy đề cập.

“Ví dụ Luật này quy định về thu thập dữ liệu, thu thập thông tin thì phạm vi thu thập thế nào? Đối với các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị, chúng ta không quan ngại phạm vi thu thập, nhưng đối với các tổ chức, cá nhân thì thu thập ở mức nào? Có thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, có được phép tập hợp thông tin không? Liên quan đến dữ liệu cá nhân, trường hợp nào được thu thập, trường hợp nào không? Khi phổ biến, phát tán các dữ liệu cá nhân thì được sử dụng, phát tán thông tin đến đâu? Hiện Luật cũng chưa quy định rõ”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.   

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, dự thảo Luật chưa bao trùm được các vấn đề dữ liệu gồm cả kinh tế, xã hội, văn hóa, cá nhân… Với dữ liệu lớn như vậy, quy định đối với từng loại dữ liệu thu thập đến đâu, xử lý thế nào, bảo vệ ra sao, trách nhiệm như thế nào thì dự thảo Luật chưa quy định rõ. Hiện dự thảo Luật chủ yếu tập trung làm rõ được vấn đề dữ liệu của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Như vậy, ở đây phạm vi điều chỉnh rất rộng, tức là Luật Dữ liệu gồm dữ liệu của toàn bộ xã hội Việt Nam.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh hơn, nên gọi là Luật về Dữ liệu quốc gia hoặc Luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối tượng áp dụng chỉ nên tập trung ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, và các tổ chức trong nền kinh tế mà việc thu thập dữ liệu có liên hệ với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Phạm vi điều chỉnh thu hẹp như vậy thì phù hợp hơn là Luật Dữ liệu hiện nay trình Quốc hội gồm dữ liệu bao trùm toàn bộ xã hội.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đồng tình cao với việc sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần nghiên cứu thấu đáo để có hệ thống khuôn khổ pháp luật đầy đủ quy định về chuyển đổi số, từ đó xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Khi chúng ta chưa phân định rõ được phạm vi điều chỉnh cũng như mối quan hệ giữa các luật với nhau thì sẽ dẫn đến những điểm ách tắc.

Do đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, trong khuôn khổ chuyển đổi số quốc gia, từ thời điểm này cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh trong dự án Luật Dữ liệu vì Luật này có phạm vi liên quan rất nhiều đến các luật khác như về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Luật Viễn Thông hiện nay đã có quy định; về dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử cũng đã có quy định; sắp tới có cả Luật Dữ liệu cá nhân… Vì vậy, cần phân định rõ luật nào quy định cái gì và quy định đến đâu thì mới giải quyết được vấn đề này và tránh các điểm nghẽn khi chúng ta phát triển chuyển đổi số quốc gia.

Cùng quan điểm với ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, nếu dự án Luật Dữ liệu quy định tất cả các vấn đề về dữ liệu thì cần lấy tất cả các dữ liệu ở Luật Giao dịch điện tử và các luật khác đưa vào đây. Còn Luật Giao dịch điện tử chỉ quy định với các giao dịch dựa trên dữ liệu mà thôi, trong trường hợp chúng ta mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này như vậy. Còn trong trường hợp chỉ khoanh định đây là dữ liệu liên quan đến các cơ sở dữ liệu quốc gia thì sẽ cần thu hẹp lại và các dữ liệu ở các sàn giao dịch bất động sản hoặc sàn giao dịch điện tử, hàng hóa điện tử thì sẽ đưa sang Luật Giao dịch dữ liệu để điều chỉnh. Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh, nên có sự phân định rõ phạm vi điều chỉnh ngay từ đầu để đảm bảo không tạo ra những điểm nghẽn trong bối cảnh chúng ta phát triển về kinh tế số.

Rà soát với các luật liên quan để tránh chồng chéo

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Nêu rõ đây là dự án Luật rất quan trọng, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, dự án Luật Dữ liệu có phạm vi điều điều chỉnh rộng, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác. Nội dung dự án Luật có nhiều khái niệm chuyên ngành mới để điều chỉnh phạm vi mới, đó là sàn giao dịch dữ liệu; đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác (69 luật). Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần rà soát, hoàn thiện một số nội dung cụ thể; bổ sung đánh giá đầy đủ sự ảnh hưởng của Luật Dữ liệu đối với các dự luật khác.

Đại biểu nhận thấy, trong báo cáo có đánh giá tác động nhưng mới chỉ nêu tác động với 6 luật khác. Như vậy, 63 luật khác có tác động đến thì cũng chưa đánh giá. Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và khả thi trong triển khai thực hiện và có tính dự báo cao.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đồng tình với các quan điểm trên và đánh giá rất cao Chính phủ đã tích cực, khẩn trương bổ sung Luật Dữ liệu vào chương trình Kỳ họp này, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần phải nghiên cứu để xác định rất rõ phạm vi điều chỉnh trong mối liên hệ, liên quan đến rất nhiều luật nhưng trực tiếp nhất là Luật Giao dịch điện tử và một dự thảo Luật hiện nay Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp này là Luật Công nghiệp công nghệ số.

“Bản chất của dữ liệu mà Luật này đề cập thực chất là dữ liệu số. Qua nghiên cứu, xem xét trong các đạo luật, trực tiếp là Luật Giao dịch điện tử, dữ liệu số là một dạng của dữ liệu. Dữ liệu nói chung bao gồm cả dữ liệu truyền thống và dữ liệu điện tử, trong dữ liệu điện tử thì có dữ liệu số. Như vậy nếu tiếp cận theo nguyên tắc logic hình thức thì khái niệm dữ liệu là khái niệm rộng nhất, trong dữ liệu có dữ liệu điện tử là một bộ phận và trong dữ liệu điện tử thì có một bộ phận được xác định, tạo ra, tổng hợp và xử lý bằng công nghệ rất hiện đại, hiện nay gọi công nghệ số mà chúng ta gọi là dữ liệu số”, đại biểu nêu quan điểm.

Với cách tiếp cận như vậy, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, cần khoanh vùng để điều chỉnh cho phù hợp, hiện dự thảo Luật này thể hiện là điều chỉnh về dữ liệu số. Vì vậy, đề nghị làm rõ vấn đề này, trước hết về tên gọi cần có nghiên cứu, căn chỉnh, đặt lại tên sát với logic. Để có hệ thống dữ liệu số hiện đại, toàn diện, đại biểu nhận thấy, khái niệm dữ liệu số hẹp hơn dữ liệu điện tử và nên chăng có điều chỉnh chung đối với dữ liệu điện tử. Đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng, dù tên gọi như thế nào nhưng trong phạm vi điều chỉnh cần tính đến việc quy định bao quát là dữ liệu điện tử và trong dữ liệu điện tử thì có dữ liệu số./.

Bích Ngọc