Thống nhất thẩm quyền cấp phép hoạt động điện lực và quản lý chất lượng công trình xây dựng

07/11/2024 16:04

Chiều 7/11, góp ý hoàn thiện quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản yêu cầu các đơn vị vận hành lưới điện phải có kế hoạch phát triển hạ tầng lưới điện thông minh và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm tính linh hoạt trong hệ thống điện; đồng thời thống nhất thẩm quyền cấp phép hoạt động điện lực và thẩm quyền quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Sửa đổi Luật Điện lực: Bổ sung các quy định cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm

Theo Tờ trình của Chính phủ, các quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực được quy định tại Chương IV của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), gồm 13 điều quy định cụ thể việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện theo phân cấp tại trung ương và địa phương. Trong đó, bổ sung 06 điều về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực với các lĩnh vực và quyền, nghĩa vụ của đơn vị được cấp phép.

Đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai 

Góp ý hoàn thiện các quy định tại Chương IV của dự thảo luật, đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp phép hoạt động điện lực đối với các dự án nguồn điện có công suất từ 3 MW trở xuống và dự án lưới điện đường dây, trạm biến áp có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.

Tuy nhiên, theo các quy định về xây dựng, lại được giao quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình từ cấp II trở xuống (Đối với các dự án nguồn điện: điện gió, điện mặt trời, thủy điện có công suất từ 50 MW trở xuống và đối với các dự án lưới điện đường dây, trạm biến áp có cấp điện áp từ 110 kV trở xuống).

Do vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định liên quan đến việc thống nhất giữa thẩm quyền cấp phép hoạt động điện lực và thẩm quyền quản lý chất lượng công trình xây dựng để thuận lợi trong việc quản lý các dự án, công trình điện lực. Cụ thể: Phân cấp cho địa phương cấp giấy phép hoạt động điện lưc đối với các dự án nguồn điện có công suất từ 50 MW trở xuống và các dự án lưới điện đường dây, trạm biến áp có cấp điện áp từ 110 kV trở xuống.

Cũng quan tâm góp ý thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại khoản 2 Điều 58 dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này”. Nhưng tại điểm đ khoản 1 Điều 127 của dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: “Thực hiện cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, có thể thấy, khoản 2 Điều 58 dự thảo Luật thì giao cho 02 cơ quan (UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh); còn điểm đ khoản 1 Điều 127 của dự thảo Luật chỉ giao cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực... với 02 quy định nêu trên về cùng một vấn đề trong dự thảo Luật là chưa thống nhất; mặt khác, quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị nghiên cứu chỉ quy định giao cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực... mà không giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực… để xác định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực và bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Về nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 47, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận thấy, quy định như dự thảo luật còn thiếu các yêu cầu cụ thể đối với việc phát triển lưới điện thông minh và khả năng tích hợp năng lượng tái tạo. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung điều khoản yêu cầu các đơn vị vận hành lưới điện phải có kế hoạch phát triển hạ tầng lưới điện thông minh và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm tính linh hoạt trong hệ thống điện.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định về điều kiện cấp mới trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với các đối tượng áp dụng mua bán điện theo DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp), phân phối, kinh doanh điện trong Khu, Cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, điều chỉnh Khoản 3 Điều 50 theo hướng  xem xét, bổ sung quy định rõ hạng mục công trình chính được nghiệm thu đưa vào khai thác áp dụng cho các Khu, Cụm công nghiệp, đơn vị có đường dây kết nối riêng đến các dự án năng lượng tái tạo. Do các Khu, Cụm công nghiệp được phân kỳ đầu tư và cáp điện theo nhu cầu của nhà đầu tư/khách hàng sử dụng điện, tránh việc xin cấp bổ sung phạm vi hoạt động nhiều lần.

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức