(Đã xong) Cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quản lý, bồi dưỡng cho người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên

08/11/2024 11:18

Một trong những dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này là Luật Tư pháp người chưa thành niên. Góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu khẳng định sự cần thiết của người làm công tác xã hội trong việc thực hiện và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định rõ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, tập huấn, bồi dưỡng cho người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Cân nhắc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 11 chương, 176 điều.

Tham gia góp ý tại hội trường nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên được quy định tại Điều 33 và các điều khoản nằm rải rảc trong dự thảo Luật. Các ý kiến cơ bản đồng tình với dự thảo Luật và khẳng định sự cần thiết của người làm công tác xã hội đối với việc thực hiện và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời cho rằng, quy định như dự thảo Luật hiện nay là chặt chẽ, hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trên cơ sở tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để tổ chức quản lý, tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho người làm công tác xã hội; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm công tác xã hội khi họ thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân -  Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đồng tình với Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung dự án Luật mà các đại biểu đã tham gia phát biểu tại Kỳ họp trước, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý để làm rõ hơn trong quá trình tổ chức thực hiện tại Điều 33 về người làm công tác xã hội. Đại biểu cho rằng, người làm công tác xã hội rất cần thiết trong việc thực hiện và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự khách quan và nâng cao chất lượng của báo cáo điều tra xã hội, mỗi trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội, cần phải có 2 người làm công tác xã hội để xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nhận thấy, người làm công tác xã hội là một chức danh rất mới trong hệ thống việc làm, nhất là trong hoạt động tố tụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội. Do đó, đề nghị Luật này cần quy định rõ về cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để tổ chức quản lý và bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho người làm công tác xã hội.

Đồng thời đề nghị xem xét trong xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp chuyển hướng đối với người chưa thành niên như áp dụng các biện pháp tại xã, phường, thị trấn, trường giáo dưỡng v.v., nhưng trong quy trình thực hiện thì chưa có sự tham gia của người làm công tác xã hội. Yêu cầu Chính phủ rà soát để đảm bảo sự đồng bộ trong xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên khi có hành vi vi phạm mà áp dụng các biện pháp chuyển hướng tương tự.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Góp ý về nội dung này, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục để quyết định một người làm công tác xã hội trong tham gia tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

Đại biểu Dương Tấn Quân nêu rõ, tại Điều 33 của dự thảo Luật hiện có quy định nhưng chưa rõ ràng điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là người làm công tác xã hội để tham gia giải quyết các vụ án hình sự; cơ quan nào làm hồ sơ, thủ tục, trình tự để đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, chấp thuận và quyết định thế nào? Do đó, cần quy định chặt chẽ hơn vấn đề này.

Còn đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị cần quy định trách nhiệm ràng buộc đối với người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Quan tâm đến quy định về người làm công tác xã hội tại khoản 11 Điều 4 và Điều 54 của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại việc quy định vai trò của nhân viên công tác xã hội như việc thực hiện báo cáo điều tra xã hội hay tham gia tố tụng có làm phát sinh thêm biên chế hoặc việc đào tạo, bồi dưỡng để họ thực hiện nhiệm vụ này?

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

“Vì hiện nay trong bối cảnh chúng ta đang tinh giản biên chế ở tất cả các lĩnh vực, đồng thời băn khoăn họ có thuộc trường hợp là người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hay không? Và Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định nhân viên làm công tác xã hội là người tham gia tố tụng”, đại biểu nêu rõ.

Do đó, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét thay nhân viên làm công tác xã hội bằng trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư thực hiện trợ giúp viên pháp lý và được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phân công phù hợp với chức năng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và cũng phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thấy rằng, người làm công tác xã hội được quy định trong dự thảo Luật có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Qua nghiên cứu các quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần làm rõ thêm một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, tại khoản 11 Điều 4 người làm công tác xã hội bao gồm công chức, viên chức làm công tác xã hội, người lao động làm công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa cấp xã và những người khác làm công tác xã hội.

Đại biểu cho biết, Thông tư 26 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định người làm công tác xã hội là viên chức ở trong đơn vị sự nghiệp công lập, còn công chức làm công tác xã hội, đây là một vị trí việc làm ở trong cơ quan nhà nước hay là một người làm công tác xã hội kiêm nhiệm trong cơ quan nhà nước. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, hiện tại hầu như trong cơ quan nhà nước không có vị trí, chức danh người làm công tác xã hội trong cơ quan hành chính nhà nước, do đó, đề nghị nếu là một ví trí việc làm thì cần quy định rõ.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Thứ hai, đối với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, đại biểu nhận thấy, đây cũng là một vị trí chưa có trong cơ cấu của cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định 33 năm 2023 của Chính phủ, trong khung số lượng của những hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện tại thì đa số các địa phương không bố trí vị trí này. Còn công chức cấp xã thì không có công chức làm công tác xã hội, nhưng trong số cán bộ không chuyên trách, các địa phương cũng chưa bố trí chức danh này. Do đó, nên quy định cụ thể thêm trong Luật để địa phương bố trí vị trí người làm công tác xã hội này trong số những người hoạt động không chuyên trách cấp xã hoặc hoạt động kiêm nhiệm trong công chức cấp xã cũng cần làm rõ thêm.

Thứ ba, đối với người làm tác xã hội, theo quy định tại khoản 3 Điều 27 và khoản 5 Điều 33, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố danh sách người làm công tác xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là người công bố danh sách người làm công tác xã hội ở địa phương. Đại biểu Tô Văn Tám nêu rõ: Vấn đề ở đây là sau khi công bố cơ quan nào quản lý và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho những người này? Nhiệm vụ của họ có tính chuyên môn khá cao và khá rộng, như xây dựng báo cáo điều tra, xây dựng kế hoạch chuyển hướng, tham gia hỗ trợ can thiệp, tham gia phiên họp... Đại biểu cho rằng, đây là những nhiệm vụ rất cần bồi dưỡng, tập huấn, vì vậy cần quy định rõ cơ quan, tổ chức quản lý, tập huấn, bồi dưỡng cho họ.

Đối với người làm công tác xã hội trong đơn vị sự nghiệp, theo Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn vị sự nghiệp quản lý họ nhưng đối với những người khác chưa có đơn vị quản lý. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, nên quy định theo hướng giao cho cơ quan là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý là phù hợp, vì đây là cơ quan sát nhất ở địa phương.

Đối với người làm công tác xã hội là công chức trong cơ quan nhà nước, công chức văn hóa cấp xã, họ chịu sự quản lý của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh, cơ quan, đơn vị có người làm công tác xã hội cần phải tạo điều kiện cho họ, đồng thời nên bổ sung quy định vào Điều 33 của dự thảo Luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm công tác xã hội khi họ thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Tranh luận với những ý kiến còn băn khoăn về sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, quy định như dự thảo Luật hiện nay đã thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, phù hợp với quy tắc, tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên như đã được nêu rất rõ tại Báo cáo số 979 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu rõ thêm các lý do như sau:

Thứ nhất, quy định như dự thảo Luật sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất của Luật Tư pháp người chưa thành niên là bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Thứ hai, quy định như vậy là phù hợp với chức năng nghề công tác xã hội khi công tác xã hội là một nghề hướng đến việc trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng xã hội yếu thế để giúp họ phát triển khả năng của bản thân, gia đình cùng với cộng đồng và sự trợ giúp của Nhà nước để họ có thể tự vươn lên hòa nhập với đời sống của cộng đồng. Theo Nghị định 110 của Chính phủ ngày 30/8/2024 về công tác xã hội, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp là hoạt động áp dụng các lý thuyết, nguyên tắc và phương pháp công tác xã hội để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng trong quá trình tư pháp.

Thứ ba, quy định như vậy là phù hợp với nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội đã được quy định tại Thông tư số 26 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Với các lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm thấy rằng, việc quy định như dự thảo Luật là chặt chẽ, hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trên cơ sở học hỏi, tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế./.

Bích Ngọc