Cần giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy

08/11/2024 16:13

Chiều 8/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đấu tranh từ sớm, từ xa giảm tác hại của ma túy

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội)

Ma túy không chỉ là vấn nạn, tệ nạn, mà là hiểm họa

Cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), các đại biểu tán thành với sự cần thiết đầu tư chương trình, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống ma túy; là sự tiếp nối của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Chương trình có ý nghĩa thực tiễn cao, thiết thực với từng người, từng nhà, toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên hôm nay và mai sau.

Đại biểu đánh giá, tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, ma túy không chỉ là vấn nạn, tệ nạn mà là hiểm họa của Việt Nam và toàn cầu; ma túy đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. 40% đối tượng nghiện ma túy không có nghề nghiệp, do vậy, để thỏa mãn cơn nghiện, đối tượng này có thể làm bất cứ việc gì, từ trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Mặc dù thời gian qua các lực lượng phòng, chống ma túy đã tích cực đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, nhưng kết quả chưa như mong muốn, thậm chí còn phức tạp hơn trên cả 3 mặt: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.

Một số đại biểu bày tỏ lo ngại tình trạng phối trộn các chất ma túy ngày càng tinh vi, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt những chất ma túy tổng hợp được phối trộn thành những hình thức, hình dạng khác nhau là con đường nhanh nhất, tác hại nhất thâm nhập vào Việt Nam. Do vậy, đòi hỏi những vấn đề mới cần được thường xuyên cập nhật để có giải pháp nhằm phòng chống ma túy hiệu quả.

Ưu tiên các giải pháp dự phòng

Dự báo hiểm họa ma ngày càng phức tạp, đại biểu nhấn mạnh bên cạnh quyết tâm chính trị cần có sự kiên trì, kiên quyết, với các biện pháp mạnh mẽ hơn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đồng thời đổi mới phương pháp, cách thức, phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng.

Để đạt được cao nhất mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, một số đại biểu đề nghị ưu tiên các giải pháp phòng hơn là chống, đó là phòng việc mua, bán, vận chuyển, lưu thông, phân phối, trồng hái, phối trộn, sử dụng. Trong đó, lưu ý hiện nay có nhiều phương thức mua bán ma túy khác nhau, trong đó phải kể đến tính phức tạp, khó kiểm soát của hình thức mua bán qua mạng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao dự thảo chương trình đã nêu chi tiết, cụ thể các giải pháp để đạt mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy, nhưng cần ưu tiên thực hiện các chỉ tiêu mang tính dự phòng; các chỉ tiêu nhằm giảm cung; các giải pháp về truyền thông trong cộng đồng, xã hội, trường lớp. Đại biểu cũng mong muốn qua chương trình này, Bộ Công an quan tâm hơn nữa đến thuốc lá thế hệ mới – con đường đến ma túy dễ nhất, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Về kinh phí và nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, so sánh với mặt bằng chung và so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, tổng mức đầu tư của chương trình này là khả thi và hợp lý. Về cơ cấu ngân sách địa phương dự kiến 4.600 tỷ đồng, đại biểu đề nghị cân nhắc nguồn vốn này, bởi nguồn thu ngân sách của từng địa phương khác nhau, có địa phương vấn nạn ma túy nhiều, nhưng khả năng cân đối thấp, do đó nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu cũng lưu ý, mặc dù Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nhưng trong dự toán ngân sách năm 2025 và dự toán ngân sách trung hạn 3 năm, Chính phủ chưa đề cập nguồn vốn cho Chương trình này. Do đó cần quan tâm đến việc bố trí ngân sách cho chương trình; đồng thời xác định rõ ưu tiên bố trí ngân sách cho các chương trình, dự án cụ thể để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện.

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 01

Khẳng định nội dung nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng, do vậy đại biểu kiến nghị bổ sung quy định trách nhiệm trong tổ chức thực hiện trong dự thảo nghị quyết. Bởi thời gian qua, bên cạnh vướng mắc về cơ chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hạn chế, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa rõ nên khó có căn cứ để giám sát, đánh giá…

Một số ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp huy động nguồn lực xã hội hoá cho phòng, chống ma tuý; có cơ chế khuyến khích địa phương tự cân đối được ngân sách tăng chi ngân sách cho phòng, chống ma tuý; Đồng thời mong muốn sau khi kết thúc chương trình này, sẽ tiến hành đánh giá việc hoàn thành các chỉ tiêu nêu ra trong Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy.

Một số hình ảnh tại Tổ 01:

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành thảo luận tổ

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 01

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 01

Đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 01

Lan Hương - Phạm Thắng