Thảo luận Tổ 5: Xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu đạt được về phát hiện, triệt phá các tụ điểm ma túy

08/11/2024 16:19

Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Theo đó, các ĐBQH đề nghị xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu đạt được trong việc phát hiện, triệt phá các tụ điểm về ma túy; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác phòng, chống ma túy...

Đấu tranh từ sớm, từ xa giảm tác hại của ma túy

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5 chiều 8/11

Tham gia họp tại Tổ 5 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với những lý do Chính phủ đã nêu trong Tờ trình số 623 ngày 09/10/2024 và thống nhất với những nội dung đã nêu trong Báo cáo thẩm tra số 3066 ngày 02/11/2024 của Ủy ban Xã hội.

Đóng góp ý kiến vào việc quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, đây là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ tình hình thực tiễn. Để hoàn thiện dự thảo và khi ban hành nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy có hiệu quả cao nhất, xuất pháp từ thực tiễn, đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, cần xem xét kỹ lại chỉ tiêu phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá.

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Theo đại biểu Lý Anh Thư, ai cũng mong muốn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma tuý sớm được phát hiện và triệt phá hoàn toàn để cuộc sống của mình, người thân được an tâm và an toàn cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các đối tượng bán lẻ ma tuý rất đa dạng kiểu, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, nên khó phát hiện được hết 100%.

Ngoài ra, hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, số lượng người cai nghiện quá tải, chưa đạt diện tích về chỗ ở, chưa có khu cai nghiện riêng cho người đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, chưa có cơ sở nào thực hiện hỗ trợ học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 100% cơ sở cai nghiện ma tuý công lập bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho chỉ tiêu này và đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng hỗ trợ nâng cấp đảm bảo về cơ sở vật chất, nơi ở cho người cai nghiện và viên chức, nhân viên của các trung tâm.

Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 5

Nêu quan điểm đối với nhóm chỉ tiêu về giảm cung ma túy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đồng thuận với việc  cân nhắc chỉ tiêu phấn đấu các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá 100%; 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá. Bởi lẽ số vụ việc tội phanh ma túy của giai đoạn trước tăng giảm không ổn định. Năm 2021 tăng 2,3% số vụ; giảm 0,3% số đối tượng so với năm 2020; năm 2022 giảm 5,39% số vụ, giảm 1,37% số đối tượng so với năm 2021; năm 2023 tăng 10,5% số vụ, tăng 14,6% số đối tượng so với năm 2022.

Mặt khác, hành vi bán ma túy ngày càng tinh vi, có gói kẹo rất đơn giản, giá rẻ bán cho học sinh, sinh chứa chất ma túy. Đối tượng bán chất ma túy lợi dụng nhóm yếu thế là người dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế về hiểu biết để cung cấp ma túy. Địa hình vùng núi hiểm trở, phức tạp khiến lực lượng tuần tra không kiểm soát được hết. Công nghệ cao bùng nổ nên tội phạm ma túy có thể trồng cây có chất gây nghiện ở nhiều nơi, bằng nhiều cách như trồng trong nhà, trồng không có đất…

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Để thực hiện được chỉ tiêu 100% điểm tụ, điểm phức tạp về ma tuý được phát hiện triệt phá, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Bộ Công an nên đề ra biện pháp yêu cầu công an các cấp rà soát, nắm tình hình, khi phát hiện phải triệt phá và có thời hạn hoàn thành để quyết liệt hơn.

Ngoài ra, trong Chương trình cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ, nhà giáo làm công tác giáo dục phòng, chống ma tuý được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma tuý; 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng pháp luật về phòng, chống ma tuý cho người học. Việc này Bộ công an và công an các địa phương đang thực hiện rất tốt tại các trường học. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh, sinh viên chính là đối tượng dễ bị lợi dụng, lôi kéo nhất nên việc tuyên truyền phòng chống ma túy là thường xuyên, liên tục trong các trường học. Chính cán bộ nhà giáo là người gần gũi nhất với học sinh, sinh viên nên việc tập huấn cho các thầy cô được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma tuý là phù hợp.

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, bên cạnh đội ngũ cán bộ, nhà giáo được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống ma túy thì Ban soạn thảo Chương trình cần nghiên cứu, bổ sung thêm đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên. Bởi đây là đội ngũ trẻ tuổi, tiếp cận với học sinh, sinh viên rất dễ dàng và cũng có thể thuyết phục các đối tượng nghiện ma túy chấp hành cai nghiện một cách hiệu quả.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy, đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị chú trọng đến cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất ở các trung tâm cai nghiện. Bên cạnh đó là quan tâm hơn nữa tới nguồn lực, chế độ chính sách, đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chăm sóc người cai nghiện ma túy.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Trong khuôn khổ phiên thảo luận Tổ, các ĐBQH còn cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Theo đó, các ĐBQH khẳng định sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này; đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; rà soát phạm vi điều chỉnh để không chồng chéo với một số luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Quản lý ngoại thương.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 5:

Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 5 

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và Kiên Giang

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 5

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc./.

Bích Lan - Nghĩa Đức