Cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng

08/11/2024 16:22

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo

Đấu tranh từ sớm, từ xa giảm tác hại của ma túy

Quang cảnh phiên họp Tổ 13.

Cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk và Hậu Giang bày tỏ tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Tham gia góp ý cụ thể về hành vi nghiêm cấm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Quân, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng các trang thông tin điện tử đã có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ không được tồn tại chứ chưa nói đến việc có thể thu hút quảng cáo. Do đó đại biểu đề nghị cần xem xét chỉnh sửa nội dung này cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Bên cạnh đề nghị cần chuyển đổi tư duy xin - cho sang tư duy hậu kiểm, công nhận và chứng nhận, đại biểu Nguyễn Văn Quân cho rằng Luật phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng. “Luật sửa đổi cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được chia làm 2 loại hình. Thứ nhất là sản phẩm được quảng cáo do chính người chuyển tải tự sản xuất, trong trường hợp này người chuyển tải quảng cáo có thể kiểm soát được thông tin và chất lượng sản phẩm. Thứ hai là người chuyển tải quảng cáo chỉ là người được đặt hàng chuyển tải thông điệp, sản phẩm quảng cáo là của đơn vị sản xuất khác, khi đó người chuyển tải quảng cáo không thể kiểm soát hết được nội dung quảng cáo, có chăng chỉ kiểm soát được thông tin, khó kiểm soát chất lượng. Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định nội dung này thành 2 nhóm như trường hợp nêu trên để bảo đảm chặt chẽ và có giải pháp quản lý phù hợp.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Làm rõ nguồn lực phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành, thực hiện chương trình, song đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhận định, tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến rất phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, táo tợn hơn, nhất là ở các địa bàn trọng yếu như các tuyến đường biên và một số vùng xa, hẻo lánh.

“Mặc dù trong giai đoạn trước, chương trình mục tiêu phòng chống ma túy đã đạt được kết quả nhất định nhưng còn rất nhiều mục tiêu chưa đạt được, phải tiếp tục làm trong giai đoạn mới", đại biểu Thu Nguyệt nhận định và đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn các mục tiêu chưa đạt, từ đó đề ra giải pháp hữu hiệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Lưu ý đến nguồn lực phân bổ cho chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng ngân sách Trung ương - địa phương cho mục tiêu này đã có sự đảo ngược so với giai đoạn trước (ngân sách Trung ương chiếm gần 80%, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước; trong khi địa phương chỉ chiếm hơn 20%) cần lý giải rõ nguyên nhân. Đại biểu cũng băn khoăn về cơ chế hỗ trợ nguồn lực cho địa phương dựa trên cơ sở nào, đề xuất theo kênh nào nhằm sự chủ động cho địa phương?

Tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng quy định tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương trong dự thảo nghị quyết chưa nêu cụ thể. Trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có nêu giao cho Chính phủ quy định tỉ lệ vốn đối ứng của các địa phương, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đề xuất với Chính phủ quy định tỷ lệ vốn đối ứng cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách, với tỉ lệ hợp lý để địa phương có thể đáp ứng được.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, hiện nay thực hiện 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia, ngân sách địa phương đã rất cố gắng, nhất là chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới yêu cầu tỉ lệ đối ứng 1:1 làm cho địa phương nhận ngân sách đến 80% như tỉnh Lạng Sơn rất khó khăn trong việc bố trí, trong khi đó là tỉnh biên giới, nhiều cửa khẩu là địa bàn trọng yếu về an ninh trật tự cũng như là tội phạm về ma tuý, nên cần có nguồn lực để địa phương có thể thực hiện được các chương trình, dự án của Chương trình.

Trước mắt, đại biểu cho rằng trong năm 2025 cần bố trí một nguồn vốn nhất định và dành thời gian rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy, những văn bản liên quan khác để vừa phòng, chống, giảm cung cầu và giảm tác hại của ma túy.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, trong khi có những chỉ tiêu quá cao, lại cũng có những chỉ tiêu quá thấp không thể hiện được tính quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy. Chẳng hạn, chương trình đề ra chỉ tiêu khống chế, giảm nguồn cung ma túy là 3% (trong khi mục tiêu của giai đoạn trước là giảm 5%; thực hiện đạt 2,48%). Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện cũng còn thấp…

Theo đại biểu Nguyễn Văn Quân, nội dung và tính chất đầu tư của chương trình có những điểm khác biệt so với các chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành, do đó cần có các cơ chế quản lý và giám sát đặc thù hơn./.

Một số hình ảnh tại phiên họp Tổ 13:

Quang cảnh phiên họp Tổ 13.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ 13 điều hành nội dung phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn dự phiên họp Tổ.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.

Trọng Quỳnh