Quy định rõ trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo

10/11/2024 13:15

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu, thông tin doanh nghiệp cung cấp...

Tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí

Bổ sung quy định trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là cần thiết, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập và phù hợp với xu thế phát triển của quảng cáo trên thế giới.

Đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, trong kết luận phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu tiếp tục đối chiếu và rà soát với các luật chuyên ngành, như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bao quát hết các đối tượng, hoạt động quảng cáo trên mạng đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả chống thất thu thuế.

Đại biểu Trần Việt Anh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội 

Góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo là quy định mới, rất đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi các phương tiện truyền thông mới đang dần đóng vai trò quan trọng trong thị trường quảng cáo. Vì thế, biện pháp quản lý hậu kiểm sẽ là một giải pháp ưu tiên, thì quy định với người chuyển tải quảng cáo cần cụ thể, chi tiết, để tránh việc tuỳ tiện trong thể hiện quảng cáo.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra. Bởi thực tế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm chính về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu, thông tin doanh nghiệp cung cấp. Những cá nhân này không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác của thông tin cung cấp.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

“Hiện nay, các sản phẩm quảng cáo trên truyền hình thường lấy doanh nghiệp của những người nổi tiếng: có thể là ca sĩ, các nhà khoa học để quảng cáo, nhưng chính bản thân những người đó cũng không đủ điều kiện để đánh giá chất lượng sản phẩm đó. Nếu chúng ta không quy rõ trách nhiệm thì sẽ rất khó khăn trong việc này”, đại biểu Trần Đình Gia nói.

Điểm c khoản 5 Điều 15 quy định "trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng có nghĩa vụ đăng ký khi đăng tải ý kiến cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm". Tuy nhiên, đại biểu cho biết, quy định như dự thảo luật chưa có cơ sở, căn cứ, phương thức cụ thể để đánh giá. “Ví dụ một sản phẩm mỹ phẩm nào đó, người ta bảo họ đã sử dụng rất tốt nhưng căn cứ đâu để nói họ đã sử dụng nó tốt. Quy định như thế này rất lỏng lẻo”.

Tạo điều kiện để báo chí có thêm cơ hội quảng cáo

Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, quảng cáo rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tổng doanh thu của quảng cáo năm 2023 khoảng 2,3 tỷ đô la. Không chỉ là một ngành kinh tế, giờ đây quảng cáo còn là một ngành công nghiệp văn hoá. Đây cũng là cách tiếp cận mới, rất cần lưu ý để tạo thêm sức sống cho ngành quảng cáo.

Xét từ góc độ công nghiệp văn hoá, quảng cáo cần chú ý đầy đủ đến 4 vấn đề gồm: Nguồn nhân lực quảng cáo, nội dung quảng cáo, nhất là nội dung văn hoá trong quảng cáo, công nghệ quảng cáo, và kỹ năng kinh doanh quảng cáo. Nếu thực sự muốn thay đổi cách tiếp cận về quảng cáo, chúng ta cần sửa đổi toàn diện Luật Quảng cáo, chứ không chỉ sửa đổi một số điều về Luật Quảng cáo.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đối với quảng cáo trên không gian mạng, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, đây là vấn đề mới, khó kiểm soát, cần thiết tiến hành hậu kiểm, nhưng các quy định càng cụ thể càng tốt, do đó việc giao Chính phủ quy định chi tiết sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra.

Về quảng cáo trên báo in, đại biểu đề nghị tạo điều kiện để báo chí có thêm cơ hội quảng cáo, khi hiện nay quảng cáo trên báo chí gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh với các loại hình truyền thông mới.

“Đối với quảng cáo trên truyền hình, tôi chỉ muốn lưu ý đến những quảng cáo vô tình, tình cờ xuất hiện, cần phải được loại trừ khỏi các điều khoản vi phạm quảng cáo. Ví dụ như những sản phẩm xuất kiện tình cờ trong các cuộc họp, trong các sự kiện nghệ thuật, thể thao được truyền hình trực tiếp (như giải Oscar, giải ngoại hạng Anh,..) có bản quyền phát sóng trực tiếp tại Việt Nam cũng cần có quy định trong luật để tránh tình trạng vi phạm luật.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, Điều 22 của Luật Quảng cáo được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 dự thảo luật. Tại điểm b, khoản 10 quy định "mỗi chương trình vui chơi, giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá năm phút. Mỗi chương trình, phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, mỗi lần 15 phút, tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm một lần, mỗi lần ngắt để quảng cáo không quá 5 phút”. Như vậy, tất cả các chương trình giải trí đều có thể quảng cáo đến bốn lần, mà không kể thời lượng dài hay ngắn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rõ mốc thời lượng của chương trình vui chơi, giải trí tương tự với số lần quảng cáo được ngắt để quảng cáo đảm bảo chất lượng chương trình.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Liên quan đến các hình thức quảng cáo đã được liệt kê, đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, luật hiện hành có các hình thức quảng cáo, như: quảng cáo trên các phương tiện băng rôn, khẩu hiệu hay ghi hình sản phẩm, in sản phẩm… là chưa đủ. Hiện nay, một số bộ phim truyền hình dài tập, những nhà tài trợ cho các bộ phim này lồng ghép các sản phẩm quảng cáo rất nhiều. Do đó, cần cập nhật, bổ sung những nội dung phát sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Một số đại biểu nêu thực tế, đối với các kênh truyền hình quốc gia có hai loại là kênh truyền hình trả tiền và kênh truyền trình không trả tiền. Do đó, quảng cáo cũng cần phân biệt hai loại hình này. Nhưng ngay cả kênh truyền hình không trả tiền cũng có hai loại là kênh truyền hình quốc gia và những kênh truyền hình không phải là quốc gia (ví dụ như các doanh nghiệp làm truyền hình). Đại biểu cho rằng, đối với những kênh truyền hình quốc gia, nên ưu tiên những thông tin về chính trị, về kinh tế, văn hóa, những nội dung mà Đảng, Nhà nước cần truyền thông mạnh mẽ để toàn dân tiếp cận. Những kênh truyền hình quốc gia như vậy cần phải có quy định về thời lượng quảng cáo, nội dung quảng cáo khác so với những kênh truyền hình khác.

Lan Hương