Điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

11/11/2024 20:25

Cho rằng doanh nghiệp và người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài ứng phó với đại dịch và thiên tai, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đề xuất Ngân hàng nhà nước cần phải linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tổng thuật sáng 11/11: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất

Tại phiên chất vấn Tư lệnh ngành Ngân hàng, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, theo kế hoạch tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Đây là nhóm nhiệm vụ ở mức ưu tiên cao và phải thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản như Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam vào năm 2018, hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường năm 2023. v.v. các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp các gói tín dụng xanh chủ yếu cho các lĩnh vực năng lượng, nông, lâm nghiệp, xử lý chất thải. Tuy nhiên, thực tiễn còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh. Đại biểu đề nghị Thống đốc đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ này đến năm 2025 như thế nào, liệu có đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi xanh của doanh nghiệp hay không?

Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Cũng quan tâm tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía ngân hàng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024 số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21%, dù Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về tín dụng. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của chúng ta đề ra là khá cao so với giai đoạn 2021-2024 vừa qua?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng; tăng trưởng kinh tế trong nước khó khăn, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho biết, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Sau khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do vướng mắc về thủ tục pháp lý của dự án, năng lực tài chính suy giảm, mất cân đối dòng tiền, thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng 

Riêng đối với tín dụng xanh, Thống đốc nêu rõ, từ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh vào năm 2017, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650.000 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng đối với năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm khoảng 45%, còn đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%. Trung bình từ năm 2017-2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh vào khoảng 17%/năm. Đây là một mức tăng trưởng tuy giá trị chưa lớn nhưng tốc độ cũng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của cả hệ thống.

Tuy nhiên, đối với tín dụng xanh này, ngành Ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi, hiện nay hệ thống ngân hàng cũng cần một hướng dẫn của các cơ quan, bộ, ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh để khi cấp tín dụng thì các tổ chức tín dụng có thể căn cứ vào đó. Việc đầu tư vào những lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, v.v. là những lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kỳ hạn dài. Do đó, đây cũng là những khó khăn của hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng rất ngắn hạn.

Ngân hàng đáp ứng đủ vốn, doanh nghiệp nắm bắt thời cơ

Nhìn từ góc độ chuyên gia, TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính nhận định, mặc dù các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và những cải cách trong chính sách quản lý nợ công đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điểm tựa và tạo động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn khi các lĩnh vực là động lực tăng trưởng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế thấp; thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất vẫn còn; và các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn... Đây sẽ là những thách thức lớn tác động đến tăng trưởng kinh tế, tạo áp lực đến chính sách tài khóa. Do đó, cần có những giải pháp tổng thể và kịp thời để chính sách tài khóa tiếp tục là điểm tựa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Một là, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa, các khoản thu từ thuế, phí... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo đúng định hướng đã đề ra; đảm bảo cân đối ngân sách trong trung hạn.

Ba là, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước, đảm bảo sự bền vững của ngân sách trong dài hạn.

Cùng bàn về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế, ThS. Đoàn Anh Tuấn, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ ra rằng, với điều kiện của nền kinh tế nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đóng góp vào mức tăng trưởng GDP, đáp ứng nhu cầu việc làm và các vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều đặc điểm khác biệt và đặc điểm này có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân. doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu. vùng xa.

Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm phổ biến kiến thức, hiểu biết của doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng do ngành ngân hàng triển khai để doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình và cách thức tiếp cận vốn vay.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần huy động, đáp ứng đủ nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn, mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chú trọng huy động nguồn vốn ổn định từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Để đáp ứng được nhu cầu vốn kinh doanh của của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cần đa dạng các hình thức huy động vốn. Trong đó cung cấp kịp thời các sản phẩm tiền gửi cho khách hàng với các hình thức đa dạng, phong phú, nhất là các loại sản phẩm huy động vốn (đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn) trên nền tảng công nghệ hiện đại và mang nhiều tiện ích cho khách hàng. Tăng cường huy động vốn tại các đô thị, thành phố để chuyển tải về nông thôn, đảm bảo các yêu cầu vốn để phục vụ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau...

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nắm bắt thời cơ, xây dựng kế hoạch kinh doanh để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp từ các tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp cần đánh giá lại chiến lược sản phẩm, marketing, nhân lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đổi mới công nghệ tương ứng, tích cực, chủ động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng đặc biệt là các dịch vụ tư vấn hỗ trợ về quản lý tài chính, lập dự án kinh doanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật Doanh nghiệp. Luật Kế toán và các quy định về tài chính, kế toán của Nhà nước; thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm; cung cấp thông tin, báo cáo chính xác và kịp thời cho các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu. Đây được coi là cơ sở quan trọng để ngân hàng đầu tư vốn. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đảm bảo sử dụng vốn vay ngân hàng đúng mục đích, tuân thủ các nội dung trong hợp đồng tín dụng; phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; thiện chí, hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm. 

Hồ Hương