Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/11/2024 08:34

Sáng 14/11 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 39.

Dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 39. 

Dự phiên khai mạc có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phía khách mời có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND một số địa phương.

Đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đạt được nhiều kết quả quan trọng

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 14-15/11 và dự phòng sáng 19/11. “Phiên họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng để thông qua rất nhiều nội dung, nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để tiếp thu, giải trình các dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận ở Tổ, Hội trường và dự kiến sẽ thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.  

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đi được 2/3 thời gian, Kỳ họp đang diễn ra đúng theo kế hoạch với yêu cầu: đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Trên tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp về đổi mới trong xây dựng pháp luật đã được các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận, đánh giá cao.

Trong phần góp ý của các đại biểu đã thể hiện tinh thần: Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định; tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, nhiều dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều, khoản. Dự thảo Luật Đầu tư công giảm 9 Điều; 1 Luật sửa 4 luật giảm 6 Điều; Luật Việc làm giảm 36 Điều; Luật Nhà giáo giảm 21 Điều…

Các đại biểu dự phiên khai mạc.

Một số các Luật, Nghị quyết được doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm, mong đợi như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật...

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết không khí nghị trường, các cuộc thảo luận ở Tổ, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, phản ánh khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn đặt ra. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, 80 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng hết thời gian chưa được phát biểu.

Kết thúc Đợt 1, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về công tác nhân sự và 03 Nghị quyết: Nghị quyết vệ dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; cho ý kiến đối với 19/22 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp.

“Kết quả biểu quyết cũng cho thấy tỷ lệ các đại biểu có mặt thống nhất rất cao, gần như tuyệt đối. Đây là thành công bước đầu của Kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Có thể nhận xét, đợt 1 của Kỳ họp đạt được nhiều kết quả quan trọng; các nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

“Tôi thực sự cảm ơn các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Vụ phục vụ của Văn phòng Quốc hội đã không quản ngày đêm, làm việc cả Thứ 7, Chủ nhật để chuẩn bị tài liệu, chuẩn bị các nội dung trên tinh thần rất tích cực, khẩn trương nhưng đã vui vẻ nhận nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, đây là một khí thế mới của Kỳ họp lần này”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực để phát triển

Về những nội dung của Phiên họp thứ 39, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 09 dự án luật, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (bố trí trong chương trình đợt 2 của Kỳ họp). Xem xét 5/6 dự thảo nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án, dự thảo khác trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phát huy tinh thần, trách nhiệm cao, hiệu quả từ công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu, phục vụ của đợt 1 Kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, kịp thời báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để nêu những nội dung thực sự cần thiết, các vấn đề cần xin ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.

Một số nội dung có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp nếu đủ điều kiện như: Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi),... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì nội dung thể hiện quan điểm rõ ràng có bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 hay chưa, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét.

“Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ách tắc hiện nay mà đang cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành, khơi thông nguồn lực để phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhấn mạnh các nội dung đều rất gấp, cần phải thật khẩn trương tiến hành hoàn thiện, chỉnh lý để trình Quốc hội tại đợt 2 của Kỳ họp; do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải tham mưu để ban hành sớm kết luận của từng nội dung và triển khai nghiêm túc theo kết luận được ban hành./.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng