Thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản: Cần giảm thiểu cơ chế xin-cho

15/11/2024 16:01

Đóng góp ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, các cơ quan phải nghiên cứu kỹ lưỡng về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin-cho.

Rà soát và công khai tổ chức, cá nhân được phép thăm dò và khai thác khoáng sản

Phân định rõ trách nhiệm và cần có công cụ để quản lý địa chất khoáng sản

Tiếp tục Phiên họp thứ 39, chiều 15/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Tại Phiên họp, đề cập một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ngày 14/11/2024, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã có Báo cáo số 3027/BC-UBKHCNMT15 về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Toàn cảnh Phiên họp 

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (Điều 8): Một số ý kiến nhất trí với phương án bổ sung điểm đ khoản 1, vì thể hiện rõ thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, ràng buộc tính pháp lý đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn theo định mức do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất giữ nguyên quy định Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Do đây là khoản đóng góp mang tính chất hỗ trợ nên cần có tính linh hoạt, phạm vi, quy mô, tính chất, mức độ tác động phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động khoáng sản ở từng địa phương.

Đối với quy định về hạch toán khoản chi hỗ trợ vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, hiện có 02 phương án. Phương án 1: Quy định theo hướng việc hạch toán khoản hỗ trợ này thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (đang sửa đổi, bổ sung).

Phương án 2: Bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật, việc này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Có ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định trên để giảm gánh nặng cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị quy định theo Phương án 2 vì: (i) Việc quy định giao thẩm quyền Hội đồng nhân dân ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí này phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; (ii) Việc hạch toán chi phí đối với phần kinh phí đóng góp không quy định trong dự thảo Luật này và sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hạch toán chi phí này trong dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 15): Có ý kiến đề nghị tại khoản 3 bổ sung thẩm quyền giao cho UBND tỉnh hiệu chỉnh tọa độ, diện tích, địa danh, khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh trước khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho biết, đây là một trong những điểm nghẽn cần phải được xử lý một cách đồng bộ để đảm bảo huy động được các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Vì vậy, cần thiết có quy định về điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản và phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh. Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: Quy định bổ sung nguyên tắc điều chỉnh cục bộ tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo Luật như sau “Việc điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau: a) Không làm thay đổi mục tiêu, định hướng của quy hoạch; b) Không gây xung đột, chồng chéo với các quy hoạch ngành quốc gia khác, hoặc các nội dung khác trong quy hoạch tỉnh”. Đồng thời, đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu như sau: (i) bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 54a “Các trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành”; (ii) chỉnh lý khoản 3 theo hướng phân cấp cho cơ quan lập quy hoạch phê duyệt điều chỉnh cục bộ.

Phương án 2: Bỏ nội dung điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản tại dự thảo Luật này; đồng thời, bổ sung quy định điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong Luật Quy hoạch, theo trình tự, thủ tục rút gọn và phân cấp cho cơ quan lập quy hoạch phê duyệt điều chỉnh cục bộ.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban KH,CN&MT ủng hộ Phương án 1 để bảo đảm quy định nguyên tắc chung trong Luật Quy hoạch và được dẫn chiếu đến pháp luật chuyên ngành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (Điều 45): Tiếp thu ý kiến ĐBQH nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm đối với khoáng sản năng lượng (than) cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, dự thảo Luật đã bổ sung điểm h khoản 1 Điều 45: “Mỗi tổ chức được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 05 giấy phép phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.”.

Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 58): Có ý kiến đề nghị tại điểm a khoản 4 điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm để phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay. Về nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT xin báo cáo: Khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cũng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường là lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới. Dự thảo Luật đã có quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, trên thực tế, thời gian xây dựng cơ bản mỏ không phải khi nào cũng cần từ 8 đến 10 năm, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định về việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng vẫn còn trữ lượng. Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị giữ như dự thảo Luật, đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm thủ tục liên quan đến gia hạn giấy phép được thuận lợi, dễ dàng. Về nội dung này, tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 05/11/2024, ĐBQH có ý kiến đề nghị xin ý kiến Quốc hội bằng phiếu về thời gian cấp phép.

Tránh thủ tục xin giấy phép khai thác khoáng sản nhiều lần

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp vào các nội dung trên. Theo đó, các thành viên Ủy ban cơ bản thống nhất hướng tiếp thu, giải trình của cơ quan thẩm tra về phân loại nhóm khoáng sản, nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Đối với phương pháp xác định phương thức thu quyết toán tiền khai thác khoáng sản nêu trong Báo cáo các vấn đề lớn xin ý kiến Thường vụ của Ủy ban KH,CN&MT, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về các nội dung này để đảm bảo chặt chẽ, khoa học, thuyết minh thêm để tăng tính thuyết phục đối với các nội dung giải trình để tạo sự đồng thuận chương trình Quốc hội.

Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, các cơ quan phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin-cho.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản với thủ tục nhanh, kịp thời trong một số trường hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nội dung này, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quy hoạch với Luật Địa chất và khoáng sản và các luật khác có liên quan...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban KH,CN&MT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật đảm bảo chất lượng dự án luật. Lưu ý rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng luật, thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết 27 và quy định 178.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Luật. Ủy ban KH,CN&MT tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật, thực hiện các bước, công việc theo quy định, đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quy định.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khách mời tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức