Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình

17/11/2024 21:12

Chiều 17/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về sửa đổi Luật Quảng cáo

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chiều 17/11

Trước đó, ngày 14/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chia thành các tổ, làm việc với các sở, ngành liên quan của tỉnh Thái Bình; Ủy ban nhân dân các huyện Tiền Hải, Vũ Thư; khảo sát thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Tiền Hải, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vũ Thư, Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Thái Bình, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Bình.

Thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Đoàn giám sát đánh giá, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (6 Kế hoạch Tỉnh ủy, 12 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, 149 Quyết định, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh…), thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em.

Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, có tính khả thi, phù hợp với thực tế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc

Đối với các lĩnh vực cụ thể, Đoàn giám sát ghi nhận, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả, với 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 732 di tích được xếp hạng các cấp: với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 127 di tích quốc gia và 603 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tỉnh cũng đã ban hành chế độ, chính sách đặc thù đối với nghệ nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đủ điều kiện phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân.

Thực hiện mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thái Bình đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu đưa vào đa dạng dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, tạo điểm đến ấn tượng cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Sắp xếp trường lớp tinh gọn, cơ sở vật chất được chuẩn hóa

Về giáo dục - đào tạo,Thái Bình hiện có đủ hệ thống các trường học từ cấp học mầm non đến đại học, đa dạng các loại hình và ngành nghề, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Quy mô trường lớp được bố trí sắp xếp lại theo hướng tinh gọn đầu mối, bảo đảm thuận lợi cho con em nhân dân học tập và ổn định chất lượng dạy và học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng đều qua các năm học. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng, cơ cấu và được chuẩn hóa. Tỉnh có đủ biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học trước khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thuận phát biểu tại cuộc làm việc

Mức chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo của tỉnh cơ bản được bảo đảm, tập trung ưu tiên để bảo đảm cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa được chú trọng, đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp trong xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy giáo dục phát triển. Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục tăng nhanh, đặc biệt ở cấp học mầm non và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, tư vấn du học.

Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng, nhiều mô hình học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập. Thái Bình là tỉnh có mô hình Trung tâm học tập cộng đồng đầu tiên của cả nước, hiện toàn tỉnh có 260 Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Công tác thông tin đa dạng, cập nhật liên tục và kịp thời, phản ánh mọi mặt của đời sống sôi động, đáp ứng tốt định hướng tư tưởng và nhu cầu thông tin của bạn đọc, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh. Quy hoạch báo chí trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc, hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí được quan tâm, chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn trình bày một số đánh giá ban đầu của Đoàn giám sát

Hoạt động của các tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng được tạo điều kiện thuận lợi. Tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn phần, 100% hồ sơ trả kết quả đúng thời hạn, thực hiện có hiệu quả các thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng, tổ chức lễ hội tín ngưỡng được thực hiện theo đúng quy định. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định.

Chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, tính cạnh tranh cao

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, số lượng di tích trên địa bàn tỉnh Thái Bình bị xuống cấp chiếm tỷ lệ khá cao. Việc thực hiện sáp nhập các đơn vị gặp khó khăn do trụ sở làm việc chưa tập trung, cơ sở vật chất của các đơn vị xuống cấp, kinh phí cải tạo, sửa chữa các hạng mục, công trình hạn chế. Việc thu hút người có tài năng gặp nhiều khó khăn do chính sách ưu đãi của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn.

Giai đoạn 2016 - 2020, không còn nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, dẫn tới nhiều thiết chế cấp xã, thôn thiếu thiết bị, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng, tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn vướng mắc, khó khăn.

Trong lĩnh vực du lịch, Thái Bình hiện chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chủ yếu quy mô còn nhỏ; chất lượng dịch vụ ở nhiều điểm đến chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách du lịch. Chưa xây dựng được sản phẩm, thương hiệu, biểu tượng du lịch của địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ấn tượng với kết quả thực hiện sáp nhập các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Công tác phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý còn bất cập, cơ cấu đội ngũ chưa đồng bộ; thiếu giáo viên dạy môn mỹ thuật, âm nhạc cấp trung học phổ thông, giáo viên môn tin học cấp tiểu học còn phổ biến. Hiện nay còn thiếu 1.132 giáo viên so với định mức tỉnh giao.

Hợp đồng giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn (do chưa được HĐND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu).

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa đạt chỉ tiêu đề ra: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm 79,4%, vào trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp khoảng 20%.

Cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chưa thể tự chủ tài chính hoàn toàn, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình theo các quy định của pháp luật gặp nhiều vướng mắc, nguồn thu quảng cáo ngày càng bị thu hẹp…

Cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển văn hóa, giáo dục

Đoàn giám sát đề nghị Thái Bình quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là trùng tu các di tích xuống cấp. Có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hóa. Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch, văn hóa để phát triển du lịch bền vững. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế cho xây dựng hệ thống hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá phát triển du lịch. Có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu du lịch Cồn Vành, Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, Khu du lịch phố biển Đồng Châu…

Các thành viên Đoàn giám sát

Tỉnh cũng cần rà soát nhu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đến năm 2025 đáp ứng yêu cầu thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm nguồn lực của địa phương để đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Bình đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em; nhờ đó, các lĩnh vực này đều đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm làm rõ thêm một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Trong đó, với lĩnh vực văn hóa, ngoài những kết quả đã được Đoàn giám sát ghi nhận, đáng chú ý, Thái Bình đã thực hiện Đề án Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, điều này rất có ý nghĩa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo điểm sinh hoạt chung cho người dân, qua đó gắn kết cộng đồng.

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh mong muốn, thời gian tới, Thái Bình tiếp tục tập trung đầu tư, huy động nguồn lực phát triển văn hóa cơ sở, cùng với đó là phong trào thể thao quần chúng, để không chỉ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, mà còn có thể phát hiện tài năng các lĩnh vực này.

Khẳng định Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, điều quan trọng là Thái Bình phải có cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn, kết nối với các địa phương lân cận để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc…

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)