“Xuyên đêm sáng đèn” trước giờ bấm nút

19/11/2024 08:27

Để Quốc hội bấm nút thông qua luật, nghị quyết là tổng hợp nhiều công đoạn trong quy trình lập pháp. Trong đó, giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện giữa hai kỳ họp đặc biệt giữa hai đợt của kỳ họp đóng vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung cao độ, trí tuệ tập thể để “trưng cất, mài giũa, gia công” ra những dự thảo luật, nghị quyết phúc đáp được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 (21/10), tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, tại rất nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đều nhấn mạnh tới vấn đề đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, nâng cao hơn nữa chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Với tinh thần luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm việc thứ 7, chủ nhật; ngoài giờ hành chính để kịp thời cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Với khối lượng dự kiến thông qua 15 luật đến 18 luật, 04 nghị quyết quy phạm pháp luật trong kỳ họp thứ 8, các ủy ban của Quốc hội được ví như những “công xưởng” làm việc không quản ngày đêm, để tiến hành tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, luật trước giờ bấm nút. 22h ngày 16/11, khung cảnh tại Tòa nhà Quốc hội, nhiều phòng làm việc vẫn sáng đèn để có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ đã đề ra.

Là một trong số những Ủy ban trực tiếp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết, luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, 19h00 ngày 18/11, tại trụ sở các cơ quan Quốc hội, 22 Hùng Vương, Thường trực Ủy ban Xã hội họp với Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình và các cơ quan liên quan. Nội dung cuộc họp để thống nhất định hướng tiếp thu, giải trình trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8.

21h30 tối 18/11, tại phòng làm việc trụ sở 22 Hùng Vương, sau khi kết thúc cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban với các đơn vị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp tục rà soát, nghiên cứu tài liệu liên quan tới ý kiến của các vị ĐBQH đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Dường như không còn khái niệm ngày, đêm, giờ hành chính, các Ủy ban của Quốc hội đều nỗ lực trong công tác phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nhằm “trưng cất, mài giũa, gia công” chắt chiu từng điều, khoản, điểm trong các dự thảo để có được bản thảo hoàn chỉnh, chất lượng nhất... Khung cảnh ghi nhận lúc 21h40 tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Sau quá trình xử lý công việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh rời trụ sở cơ quan- 22 Hùng Vương lúc 1h00 sáng ngày 19/11. Hình ảnh người đứng đầu Ủy ban vội vã ra về vào sáng ngày hôm sau đã không còn xa lạ với cán bộ, chuyên viên của cơ quan. Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đã luôn hối thúc nữ Chủ nhiệm nỗ lực không ngừng, cùng Thường trực Ủy ban phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng hành cùng các cơ quan, không thể thiếu vai trò của Ủy ban Pháp luật. Vào khoảng 19h30, ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Tại cuộc họp tiến rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày 15/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phân tích việc lựa chọn cách thức thể hiện, vận dụng kỹ thuật lập pháp làm sao đảm bảo thể hóa đúng chủ trương, chính sách; văn phong ngắn gọn, chính xác.

22h30, ngày 18/11 cán bộ, chuyên viên các vụ phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban rời trụ sở Tòa nhà Quốc hội ra về.  Với tinh thần “Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ”, không khí làm việc sôi nổi, trách nhiệm tất cả vì mục tiêu cao nhất không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp đã lan tỏa khắp cơ quan.

Sau 1 quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự phối chặt chẽ giữa các cơ quan, các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua bằng hình thức bấm nút điện tử tại Hội trường Diên Hồng. Đây là thời khắc được chờ đợi và kỳ vọng, các dự luật sau khi ban hành sẽ sớm vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ được khó khăn về thể chế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.../.

Phạm Hải - Phạm Thắng - Trọng Quỳnh - Lan Anh