Dự án Luật Nhà giáo: Tạo động lực cống hiến, thu hút người có tài, có tâm

20/11/2024 12:54

Sáng nay (20/11), đúng dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH ủng hộ sự cần thiết của dự án Luật này, đồng thời khẳng định các quy định, chính sách mới trong dự thảo Luật sẽ tạo được động lực lớn cho đội ngũ nhà giáo, thu hút được người có tài, có tâm tham gia vào công tác giảng dạy.

Tổng thuật sáng 20/11: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo

Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm sâu sắc đến đội ngũ nhà giáo

“Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” là tư tưởng, quan điểm nhất quán được Đảng ta khẳng định trong nhiều kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương. Ngay cả trong Hiến pháp 2013 cũng xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cáo dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Và chúng ta biết rằng, lực lượng nòng cốt để thực hiện sứ mệnh này chính là đội ngũ nhà giáo. Do vậy, tôi cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo; là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng những chính sách đột phá nhằm thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực cao và các điều kiện khác để thực hiện sứ mệnh quan trọng nhất, cốt lõi nhất, quyết định chất lượng giáo dục trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng và trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp này đúng vào dịp Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Điều này lại một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức đối với đội ngũ nhà giáo. Do vậy 5 nhóm chính sách có tính đột phá, đặc thù được đưa vào dự thảo Luật vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt, vừa xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, toàn diện, khả thi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo, những người làm nghề cao quý- vừa dạy chữ, vừa dạy người. Đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh mới đối với việc phát triển đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên; không có sự phân biệt, đối xử giữa nhà giáo trong khu vực công lập hay dân lập.

Tuy nhiên, để các chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống, thực sự trở thành điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất  lượng cao trong chiến lược phát triển đất nước, tôi đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động cụ thể của từng chính sách và tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đầu ngành, kinh nghiệm quốc tế để  hoàn chỉnh dự án Luật đảm bảo về cả thời gian, chất lượng và mục tiêu của các chính sách đặt ra. Một đạo luật riêng về nhà giáo với những chính sách khả thi sẽ là sự tri ân ý nghĩa nhất dành tặng các nhà giáo.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Tạo thêm động lực cho nhà giáo, thu hút người có tài, có tâm vào công tác giảng dạy

Tôi cho rằng, việc phát triển, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yêu cầu tất yếu cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Chủ trương của Đảng ta từ trước đến nay đều coi trọng công tác giáo dục – đào tạo, trong đó đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng. Hiến pháp 2013 cũng đã tiếp tục khẳng định “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý nhà nước về giáo dục trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề đối với đội ngũ làm công tác trồng người. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp hình ảnh người thầy giáo, cô giáo có biểu hiện suy thoái về đạo đức, phẩm chất, làm mất đi sự tôn nghiêm, chuẩn mực đáng kính của người thầy. Do vậy, tôi cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, ở chừng mực nào đó, có thể nói là chậm so với yêu cầu thực tiễn.

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, việc xây dựng hình ảnh người thầy giáo mẫu mực, đáng kính trong xã hội mặc dù là nội dung khó, nhưng lại rất quan trọng mà tôi cho rằng Luật Nhà giáo lần này cần phải hướng đến. Điều mà tôi mong muốn nhất đó là sau khi Luật này được ban hành, hình ảnh, chuẩn mực người thầy phải được chính họ tôn trọng, để được xã hội tôn vinh, xứng đáng với sứ mệnh trồng người, truyền thống tôn sự trọng đạo của dân tộc ta.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Về tổng thể, tôi cơ bản tán thành với các nội dung, chính sách cho nhà giáo mà dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã đề cập. Dự thảo Luật lần này đã dành những ưu tiên, ưu đãi nhất định cho nhà giáo. Các chính sách này đều cần thiết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây sẽ là động lực, điều kiện để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nhà nước cần phải có những chế độ, chính sách, đãi ngộ tương xứng để thu hút được người có tài, có tâm tham gia vào sự nghiệp trồng người.

Về những chính sách ưu đãi trong thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng vùng miền, tôi thấy rằng, người thầy ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn quá cực khổ. Họ hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp giáo dục. Tình yêu nghề, yêu trò không cho phép họ bỏ trường, bỏ lớp, về vùng có điều kiện thuận lợi dù họ có thể đi bất cứ lúc nào. Do vậy, tôi thiết nghĩ, dự thảo Luật lần này cần có những chính sách đột phá hơn nữa, ưu tiên hơn nữa đối với giáo viên ở khu vực này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đảm bảo hài hòa quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo

Tôi đang đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo đối với dự án Luật Nhà giáo cũng như sự cần thiết của dự án Luật này, nhằm khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo; đồng thời tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tôi đặc biệt quan tâm và ủng hộ các chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật nhằm tôn vinh, động viên và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhà giáo, đặc biệt là các chính sách đối với nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các chính sách liên quan đến nhà ở công vụ, nâng bậc lương cho giáo viên mới ra trường, chế độ nghỉ hưu sớm cho giáo viên mầm non, kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo có trình độ, phẩm chất cao... Tuy nhiên đối với nội dung quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng này, tôi cho rằng dự thảo Luật cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn và chỉ áp dụng với trường hợp được yêu cầu và có sự thống nhất trong thỏa thuận.

Ngoài ra để đảm bảo quyền và trách nhiệm của nhà giáo, đối với quy định về xử lý thông tin liên quan đến nhà giáo, tôi đồng tình với quy định không được đăng tải thông tin liên quan đến nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra. Song dự thảo Luật cũng cần có quy định về việc được phép đăng tải thông tin ban đầu về những vụ việc liên quan đến nhà giáo, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực xảy ra (nếu có)./.

Thu Phương- Phạm Thắng